Tin tức

Hội đồng Tiền lương Quốc gia chốt đề xuất tăng 7,2% lương tối thiểu vùng từ 2026

Nguyễn Hoàng 14/07/2025 06:46

(CLO) Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã tiến hành bỏ phiếu, thống nhất đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2026 với mức tăng bình quân 7,2%, thời điểm áp dụng từ ngày 1/1/2026.

Thông tin về kết quả bỏ phiếu, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Mạnh Khương – Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia – cho biết có 13/16 thành viên tham dự đồng thuận với phương án tăng lương, 3 thành viên bỏ phiếu trắng. Theo ông, mức tăng này là kết quả của quá trình trao đổi kỹ lưỡng, cân nhắc nhiều tình huống và giả thiết, đặc biệt có tính đến các yếu tố về phát triển kinh tế đất nước trong thời gian tới.

z67937904471388da74d76982a228416ae222aaad4a50f-17522168047841659410461-17522204593041221072143.jpg
Hội đồng Tiền lương Quốc gia chốt đề xuất tăng 7,2% lương tối thiểu vùng từ 2026

“Mức tăng 7,2% là hợp lý, phù hợp với giai đoạn hiện nay và định hướng tăng trưởng 8% trong năm nay cũng như mục tiêu tăng trưởng hai con số trong các năm tiếp theo mà Đảng đã đề ra,” ông Khương nhấn mạnh.

Theo phương án được Hội đồng chốt để trình Chính phủ xem xét, mức tăng cụ thể cho từng vùng như sau:

Lương tối thiểu vùng I tăng từ 4,96 triệu đồng lên 5,31 triệu đồng/tháng (tăng 350.000 đồng, tương đương 7,1%).

Lương tối thiểu vùng II tăng từ 4,41 triệu đồng lên 4,73 triệu đồng/tháng (tăng 320.000 đồng, tương đương 7,3%).

Lương tối thiểu vùng III tăng từ 3,86 triệu đồng lên 4,14 triệu đồng/tháng (tăng 280.000 đồng, tương đương 7,3%).

Lương tối thiểu vùng IV tăng từ 3,45 triệu đồng lên 3,7 triệu đồng/tháng (tăng 250.000 đồng, tương đương 7,2%).

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia – đánh giá mức đề xuất tăng lương tối thiểu năm 2026 đã cơ bản đáp ứng mong đợi của đoàn viên công đoàn và người lao động cả nước, đồng thời thể hiện tinh thần chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp.

“Mức tăng này sẽ góp phần cải thiện đời sống của người lao động, nhất là nhóm đang hưởng lương tối thiểu. Dù nhiều doanh nghiệp hiện đã trả cao hơn mức sàn, nhưng lương tối thiểu vẫn là mức tham chiếu để xây dựng chính sách tiền lương. Tôi tin rằng đây sẽ là động lực để người lao động hăng hái làm việc, cùng nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm nay và hướng tới hai con số trong các năm tiếp theo,” ông Hiểu nhấn mạnh.

Theo ông, khi Chính phủ có quyết định chính thức, Tổng Liên đoàn sẽ tổ chức triển khai và tuyên truyền để người lao động đồng thuận, ủng hộ, tiếp tục đóng góp tích cực vào năng suất lao động và sự phát triển của doanh nghiệp.

Từ phía giới sử dụng lao động, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia – khẳng định khi Hội đồng đã đạt đồng thuận thì doanh nghiệp sẽ tuân thủ và phối hợp thực hiện. Tuy nhiên, ông cũng nhìn nhận việc điều chỉnh lương tối thiểu sẽ đặt ra yêu cầu cao hơn về năng lực quản trị và điều hành doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp sẽ cần rà soát lại cơ cấu công việc, đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất và đặc biệt là nghệ thuật giữ chân người lao động có kỹ năng,” ông Phòng nói. Theo ông, đây là dịp để doanh nghiệp tăng cường năng lực quản trị, tối ưu chi phí nhân sự, đồng thời củng cố các chương trình đào tạo nội bộ để đảm bảo năng lực cạnh tranh trong điều kiện mới.

Ông nhấn mạnh, sự điều chỉnh tiền lương không chỉ là gánh nặng chi phí mà còn là cơ hội để doanh nghiệp tái cấu trúc, thu hút và giữ người tài, đồng hành cùng mục tiêu phát triển kinh tế chung của cả nước.

Hội đồng Tiền lương Quốc gia là cơ chế đối thoại ba bên gồm đại diện Chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động. Mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2026 sẽ được trình Chính phủ xem xét, quyết định và ban hành trong thời gian tới.

Nguyễn Hoàng