Vì sao ABAC 3 diễn ra tại Hải Phòng?
(CLO) Hải Phòng quy tụ mọi yếu tố để là điểm đến chiến lược trong kỷ nguyên mới, hút các nhà tư vấn kinh doanh từ 21 nền kinh tế APEC mong muốn tổ chức ABAC 3 tại đây.
Ngày 14/7, tại Trung tâm Hội nghị và Biểu diễn thành phố, Hải Phòng đã tổ chức buổi họp báo về Kỳ họp lần thứ 3 của Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC 3), thông tin thành phố này đã sẵn sàng cho Hội nghị thành công tốt đẹp, đồng thời khẳng định vị thế chiến lược của Hải Phòng trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Ông Lê Trung Kiên - Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho biết: Hội nghị ABAC 3, sẽ diễn ra từ ngày 15 đến 18/7/2025, là một phần trong chuỗi hoạt động của Năm APEC 2025 do Hàn Quốc là nước chủ nhà. Các nhà tư vấn kinh doanh từ 21 nền kinh tế APEC đã bày tỏ mong muốn tổ chức sự kiện tại Hải Phòng, Việt Nam. Đây là một lựa chọn chiến lược, phản ánh tiềm năng và lợi thế vượt trội của thành phố.
Hải Phòng hiện đang bước vào một kỷ nguyên phát triển mới với mô hình chính quyền hai cấp và việc hợp nhất với Hải Dương, mở rộng diện tích lên hơn 3.500 km2 và dân số đạt trên 4,6 triệu người. Quy mô dân số này thậm chí còn lớn hơn thành phố Incheon của Hàn Quốc, một yếu tố quan trọng để xây dựng một thành phố phát triển năng động.
Thành phố cũng sở hữu cơ chế chính sách vượt trội theo Nghị quyết 226 của Quốc hội, bao gồm 41 cơ chế chính sách, nhiều trong số đó vượt ra ngoài các rào cản pháp lý thông thường. Đơn cử, Hải Phòng được phép thu hồi đất xen kẹt để đấu giá và được thành lập khu thương mại tự do mà không cần xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, cho phép thành phố tự quyết định các cơ chế chính sách ưu việt như thành lập ngân hàng nước ngoài, trao đổi hàng hóa và ưu tiên thủ tục hải quan, thương mại. Ngoài ra, Hải Phòng còn được vay gấp 120 lần ngân sách được cấp.

Vị trí chiến lược của Hải Phòng được khẳng định trong tất cả các Nghị quyết của trung ương. Việc hợp nhất với Hải Dương và tuyến đường sắt cao tốc Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, với Hải Phòng là điểm đến cuối cùng, dự kiến khởi công vào tháng 12 tới, càng củng cố vai trò trung tâm logistics của thành phố. Hải Phòng sẽ có thêm một khu kinh tế sinh thái ven biển phía Nam và Cảng nước sâu Nam Đồ Sơn. Cùng với các bến cảng số 3, 4, 5, 6 Lạch Huyện đã hoàn thành vào năm 2025, và 4 bến cảng mới (9, 10, 11, 12) sẽ được trao giấy chứng nhận đầu tư, đưa Lạch Huyện trở thành một trung tâm logistics sánh ngang với Singapore. Đặc biệt, các bến cảng 9, 10, 11, 12 sẽ được thí điểm xây dựng gắn liền với khu thương mại tự do.
Hệ sinh thái kinh tế của Hải Phòng cũng rất đa dạng và phát triển, với sự kết hợp giữa các doanh nghiệp địa phương và doanh nghiệp FDI, tạo nên một cộng đồng hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và hợp tác chặt chẽ. Sự hiện diện của hai nhà máy ô tô lớn là Ford và VinFast, cùng với dự án đầu tư gần 200 triệu USD vào sản xuất phụ kiện ô tô, biến Hải Phòng thành một chuỗi cung ứng quan trọng trong ngành công nghiệp ô tô.

Trong khuôn khổ ABAC 3, sẽ có nhiều dự án của Mỹ được trao, và các đại sứ Hà Lan, Singapore... cũng sẽ làm việc sâu hơn với Hải Phòng, mở ra quan hệ hợp tác song phương lớn. Hội nghị cũng sẽ trao chứng nhận đầu tư cho các dự án trị giá hơn 10 tỷ USD và các cam kết, ghi nhớ trị giá hơn 5 tỷ USD. Các dự án này, nếu được thực hiện đúng tiến độ, sẽ tạo ra một sự bùng nổ về hạ tầng giao thông, hệ sinh thái công nghiệp và cảng biển. Đặc biệt, Hải Phòng còn là điểm cuối của tuyến đường sắt cao tốc Côn Minh- Lào Cai- Hà Nội - Hải Phòng, rất thuận lợi cho việc sản xuất, sửa chữa và bảo dưỡng toa tàu cao tốc.
Hội nghị ABAC 3 dự kiến thu hút khoảng 1.200 đại biểu từ 21 nền kinh tế APEC, khẳng định Hải Phòng là điểm đến chiến lược cho các nhà đầu tư. Với những lợi thế vượt trội về vị trí địa lý, cơ chế chính sách, hạ tầng cảng biển và hệ sinh thái công nghiệp, Hải Phòng đang định vị mình là một điểm đến hấp dẫn và đầy tiềm năng trong kỷ nguyên mới.