Mỹ sẽ gửi thêm Patriot cho Ukraine, nhưng chi phí do Liên minh châu Âu chi trả
(CLO) Tổng thống Donald Trump cho biết Mỹ sẽ gửi thêm nhiều loại vũ khí quân sự cho Ukraine, bao gồm hệ thống phòng không Patriot, nhưng toàn bộ chi phí sẽ do Liên minh châu Âu (EU) chi trả.
"Về cơ bản, chúng tôi sẽ gửi cho họ nhiều loại vũ khí quân sự tối tân. Họ sẽ trả cho chúng tôi 100% chi phí", ông Trump nhấn mạnh, đồng thời khẳng định quyết định này sẽ được thảo luận tại cuộc gặp của ông với Tổng thư ký NATO Mark Rutte tại Washington vào ngày 14/7.
Khi được hỏi về khả năng cung cấp tên lửa Patriot, ông nói: "Tôi vẫn chưa quyết định số lượng cụ thể, nhưng chắc chắn họ sẽ nhận được một số vì họ cần được bảo vệ. Toàn bộ chi phí sẽ do Liên minh châu Âu chi trả. Mỹ không phải bỏ ra đồng nào nhưng sẽ là bên cung cấp. Đây là một thương vụ, và chúng tôi sẽ chuyển Patriot cho họ".

Trước đó, trang Axios cho biết ông Trump đã hứa với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy rằng sẽ ngay lập tức cung cấp 10 tên lửa đánh chặn Patriot và hỗ trợ tìm thêm phương tiện tiếp tế.
Ngoài Patriot, kế hoạch viện trợ mới còn có thể bao gồm cả vũ khí tấn công, trong đó có các tên lửa tầm xa đủ khả năng tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, bao gồm cả thủ đô Moscow. Tuy nhiên, hiện chưa có xác nhận chính thức nào về quyết định cuối cùng đối với loại tên lửa này.
Động thái mới của ông Trump đánh dấu sự đảo chiều rõ rệt sau thông tin được New York Times công bố ngày 2/7, rằng Mỹ sẽ tạm dừng cung cấp một loạt khí tài cho Ukraine, gồm tên lửa Patriot, tên lửa dẫn đường GMLRS, tên lửa Hellfire, hệ thống phòng không vác vai Stinger và một số vũ khí khác.
Quyết định này khi đó đã khiến Ukraine phản ứng gay gắt. Bộ Ngoại giao Ukraine triệu tập Đại biện lâm thời Mỹ tại Kiev, ông John Ginkel, còn Tổng thống Zelenskyy cảnh báo rằng châu Âu không thể bù đắp được sự thiếu hụt từ Mỹ.
Tuy nhiên, chỉ một ngày sau, ông Trump tuyên bố viện trợ quân sự vẫn được duy trì, song ông nhấn mạnh Mỹ cũng cần vũ khí cho chính mình. Đến ngày 7/7, ông xác nhận sẽ tiếp tục cung cấp khí tài cho Ukraine.
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio ngày 10/7 cũng tái khẳng định rằng viện trợ quân sự cho Ukraine vẫn được triển khai đúng tiến độ theo kế hoạch mà Quốc hội Mỹ đã thông qua, và phần lớn nguồn viện trợ chưa từng bị gián đoạn.