Thế giới 24h

UNESCO công nhận ba địa điểm tra tấn của Khmer Đỏ là Di sản Thế giới

Hoài Phương (theo UNESCO, CNN, AJ) 14/07/2025 17:17

(CLO) Ba địa điểm từng được Khmer Đỏ sử dụng làm nơi tra tấn và hành quyết tại Campuchia cách đây gần 50 năm vừa được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản Thế giới.

Theo thông báo trong phiên họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới diễn ra tại Paris hôm 11/7, ba địa điểm mới được ghi danh gồm: Bảo tàng Diệt chủng Tuol Sleng (trước đây là nhà tù S-21), nhà tù M-13 ở tỉnh Kampong Chhnang, và khu hành quyết Choeung Ek nằm cách Phnom Penh khoảng 15 km.

Cả ba đều là biểu tượng ám ảnh của thời kỳ đẫm máu dưới chính quyền Khmer Đỏ và là nơi hàng chục nghìn người từng bị giam giữ, tra tấn và hành quyết.

Việc công nhận diễn ra đúng dịp tròn 50 năm ngày Khmer Đỏ lên nắm quyền – giai đoạn đẫm máu kéo dài từ năm 1975 đến 1979, khiến khoảng 1,7 triệu người Campuchia thiệt mạng vì đói khát, tra tấn và hành quyết hàng loạt.

Tuol Sleng, một trường học cũ ở thủ đô Phnom Penh bị biến thành nhà tù, là nơi khoảng 15.000 người bị giam giữ và tra tấn. Nhà tù M-13 là một trong những cơ sở giam giữ đầu tiên của Khmer Đỏ trong giai đoạn mới nắm quyền. Choeung Ek từng là một trong những “cánh đồng chết” khét tiếng, nơi diễn ra các cuộc hành quyết tập thể, sau này được tái hiện trong bộ phim nổi tiếng “The Killing Fields” (1984) dựa trên câu chuyện thật của nhiếp ảnh gia Dith Pran và phóng viên Sydney Schanberg của tờ New York Times.

undefined
'Bản đồ đầu lâu' ở Bảo tàng diệt chủng Tuol Sleng. Ảnh: CC/Wiki

Chế độ Khmer Đỏ chiếm thủ đô Phnom Penh vào ngày 17/4/1975, và nhanh chóng cưỡng ép hàng triệu người dân rời khỏi thành phố về các vùng nông thôn để lao động cưỡng bức. Chính quyền này kết thúc vào ngày 7/1/1979, khi quân và dân Campuchia với sự giúp đỡ của Quân tình nguyện Việt Nam giải phóng Phnom Penh, đánh đổ chế độ diệt chủng bạo tàn do Pol Pot cầm đầu.

Đến tháng 9/2022, Tòa án đặc biệt xét xử tội ác Khmer Đỏ do Liên hợp quốc hậu thuẫn đã hoàn tất công việc sau 16 năm hoạt động và tiêu tốn 337 triệu USD, nhưng chỉ kết án được ba bị cáo.

Trong một thông điệp video đăng trực tuyến hôm 11/7, Thủ tướng Campuchia Hun Manet kêu gọi toàn dân đánh trống vào sáng 13/7 để kỷ niệm sự kiện mang tính lịch sử này. “Mong rằng dòng chữ khắc này sẽ là lời nhắc nhở bền vững rằng hòa bình luôn phải được bảo vệ”, ông nói. “Từ những chương đen tối nhất của lịch sử, chúng ta có thể rút ra sức mạnh để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho nhân loại”.

Giám đốc Trung tâm Tài liệu Campuchia, ông Youk Chhang, cho biết đất nước vẫn đang đối mặt với di sản đau thương của tội ác diệt chủng. “Dù đây là những nơi gắn liền với bạo lực, chúng vẫn có thể và sẽ góp phần chữa lành những vết thương chưa lành từ quá khứ”.

Bộ Văn hóa và Nghệ thuật Campuchia cho biết đây là lần đầu tiên nước này đề cử thành công một địa điểm khảo cổ hiện đại, không mang tính cổ điển vào danh sách UNESCO, đồng thời là một trong những ví dụ đầu tiên trên thế giới về một địa điểm gắn với xung đột hiện đại được ghi danh.

Trước đó, 4 di sản khác của Campuchia đã được UNESCO công nhận, bao gồm quần thể Angkor, đền Preah Vihear, di tích Sambo Prei Kuk và quần thể Koh Ker.

Hoài Phương (theo UNESCO, CNN, AJ)