Chuyên gia văn hóa Ngô Hương Giang: Chuẩn mực đạo đức kinh doanh phải bắt đầu từ tuân thủ pháp luật
(CLO) Chuyên gia văn hóa Ngô Hương Giang nhấn mạnh, đạo đức kinh doanh muốn đạt được quy chuẩn thì phải xuất phát từ pháp luật. Kinh doanh, mua bán đặc biệt đối với KOLs, KOC trên mạng xã hội phải xuất phát từ sự chấp hành đúng quy định của pháp luật.
Gần đây, hàng loạt người nổi tiếng trên mạng xã hội hay còn gọi là các KOLs, KOC đã lợi dụng sự ảnh hưởng của mình đến quảng cáo, bán các sản phẩm là thực phẩm bảo vệ sức khỏe không đảm bảo chất lượng, có nhiều sản phẩm là hàng giả. Sự việc này đã được cơ quan chức năng phát hiện, xử lý hành chính, thậm chí có nhiều trường hợp bị xử lý hình sự như: Vụ hoa hậu Thủy Tiên, Quang Linh Vlog, Hằng Du Mục; Vụ Lê Văn Hải, chủ kênh TikTok “Gia đình Hải Sen”… Điều đáng nói, các đối tượng này biết rõ sản phẩm kém chất lượng nhưng vẫn quảng cáo, bán cho người tiêu dùng để kiếm lợi, gây bức xúc trong nhân dân.
Tuy nhiên, dư luận cũng đặt câu hỏi liên quan đến đạo đức kinh doanh – vấn đề dường như bị "lãng quên" khi các KOLs, KOC sử dụng mạng xã hội để buôn bán, kinh doanh.

Trước vấn đề trên, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia văn hóa Ngô Hương Giang để cùng phân tích, kiến nghị những giải pháp để nâng cao đạo đức kinh doanh trên mạng xã hội.
+ Theo ông, những lệch chuẩn phổ biến nhất trong đạo đức kinh doanh của các KOLs, KOC là gì?
Chuyên gia văn hóa Ngô Hương Giang: Điều đâu tiên, đó là bất chấp mọi hành vi để đạt được “lợi nhuận”. Sự bất chấp này được thể hiện theo hai khía cạnh: Một là, bất chấp đạo đức, lương tâm để kinh doanh trục lợi, do đó những KOLs, KOC không ngần ngại bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng miễn là có lợi; hai là, bất chấp những quy định nghiêm khắc của pháp luật để tìm cách chống lại hoặc lách luật để kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng.
Tiếp đến là bất chấp mọi chiêu trò, thậm chí làm content sai sự thật so với công dụng của sản phẩm, mục đích cuối cùng vẫn là bán được hàng, là trục lợi trên sức khỏe, tính mạng, niềm tin của người tiêu dùng.
Để đạt được hai mục đích trên, những KOLs, KOC này thường thực hiện hành vi theo mô típ phổ biến là khoe xe sang, khoe “nhà máy” (thuê lại hoặc mượn để quảng cáo), khoe tiền, khoe tài sản, mục đích là đánh vào “tâm lý tiêu dùng” của người mua (người dùng mạng xã hội hay gọi là “lùa gà”) nhằm “chiếm đoạt” niềm tin của họ vào sản phẩm. Trên cơ sở đó tạo đòn bẩy thu lời bất chính từ các sản phẩm giả, sản phẩm kém chất lượng.

+ Đạo đức kinh doanh trên không gian mạng nên được hiểu như thế nào trong bối cảnh KOLs, KOC vừa là cá nhân, vừa là “doanh nghiệp truyền thông” tự thân, thưa ông?
Chuyên gia văn hóa Ngô Hương Giang: Thứ nhất, nói đến đạo đức kinh doanh mà hiểu theo một cách gần gũi nhất là “lương tâm kinh doanh” thì cần hiểu đó là sự cân bằng giữa trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân với lợi ích kinh tế mang lại. Cho nên công thức chung, phổ biến cho hoạt động kinh doanh là: 3 win. Người mua được lợi từ sản phẩm, người bán được lợi về kinh tế và an sinh xã hội được đảm bảo.
Thứ hai, trên không gian mạng vốn ảo, thì cái cần nhất của hoạt động kinh doanh (mà chủ yếu vẫn là đến từ phía người sản xuất, người bán) đó là “sự trung thực”, trung thực trong quảng cáo sản phẩm, trung thực trong chiến lược cạnh tranh bán hàng. Muốn làm được điều đó, các KOLs, KOC tham gia kinh doanh trước hết phải có trách nhiệm với xã hội. Bởi vì ngày hôm nay anh bất chấp mọi hành vi để trục lợi với xã hội, với đất nước, thì ngày mai chính anh và gia đình cũng sẽ có nguy cơ là nạn nhân của sự bất chấp để trục lợi khác đến từ những người kinh doanh khác.
Thứ ba, đạo đức kinh doanh muốn đạt được quy chuẩn thì phải xuất phát từ pháp luật. Kinh doanh, mua bán phải xuất phát từ sự chấp hành đúng quy định của pháp luật. Nếu KOLs, KOC hay hộ kinh doanh nào cũng làm theo đúng quy định pháp luật về chất lượng, nguồn gốc, chức năng sản phẩm, thì tôi cho rằng, sẽ ít xảy ra các nguy cơ gây tổn thất đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng.

+ Trước vấn đề trên, ông có đề xuất gì với các cơ quan quản lý, tổ chức nghề nghiệp hoặc chính cộng đồng KOLs, KOC để nâng cao nhận thức và xây dựng bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp phù hợp thời đại số?
Chuyên gia văn hóa Ngô Hương Giang: Thứ nhất, từ phía cơ quan chức năng, cần tăng cường thanh kiểm tra đối với hoạt động kinh doanh trên không gian mạng. Kiên quyết chống lại hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng bằng các chế tài thật nghiêm khắc, trong đó có xử lý hình sự.
Thứ hai, từ phía các KOLs, KOC khi tham gia hoạt động quảng cáo cho các sản phẩm thì cần phải trích xuất nguồn gốc sản phẩm, trích xuất thành phần sản phẩm có được Bộ y tế cấp phép lưu hành không? Đặc biệt đối với những sản phẩm là thuốc và thực phẩm chức năng thì cần phải có giấy phép lưu hành từ các cơ quan liên ngành như Bộ công an, Bộ y tế về chất lượng sản phẩm, Bộ văn hóa thể thao và du lịch về việc cho phép quảng cáo sản phẩm. Khi có các tiêu chuẩn về việc quảng cáo sản phẩm thì KOLs hay KOC mới nên tham gia quảng bá cho sản phẩm, bởi vì quảng bá sản phẩm chính là gián tiếp tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp.
Thứ ba, Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch cần sớm phối hợp với Bộ Y tế, Bộ công an để ban hành các nghị định hướng dẫn về yêu cầu, tiêu chuẩn cho hoạt động quảng cáo, bán hàng trên không gian mạng. Cần thiết phải có sự cấp phép hoạt động quảng cáo đối với các cá nhân, tổ chức, KOLs, KOC khi tham gia kinh doanh online.
Xin trân trọng cảm ơn ông!