Xã hội

'Chạy đua' đào tạo nhân lực bán dẫn: Cơ hội lớn, yêu cầu cao

Văn Hiền 15/07/2025 10:18

(CLO) Ngành công nghệ vi mạch bán dẫn đang trở thành một trong những tâm điểm thu hút sự quan tâm của thí sinh và các cơ sở giáo dục đại học trong mùa tuyển sinh năm 2025.

Đây là lĩnh vực được Chính phủ xác định là then chốt trong chiến lược phát triển kinh tế số và công nghiệp công nghệ cao trong những thập niên tới.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện cả nước có khoảng 240 trường đại học, trong đó gần 160 trường có khả năng chuyển đổi đào tạo nhân lực kỹ thuật phục vụ ngành bán dẫn. Trong số đó, đã có 35 cơ sở chính thức đào tạo các ngành liên quan đến lĩnh vực này.

Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam cần đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực trình độ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó có khoảng 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch, 35.000 kỹ sư làm việc trong các nhà máy sản xuất, đóng gói và kiểm thử chip, cùng 5.000 nhân lực chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực này.

Sức nóng của đào tạo ngành bán dẫn

Trước làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào ngành bán dẫn, nhiều trường đại học lớn tại Hà Nội đã công bố mở các ngành đào tạo mới từ năm 2025. Đáng chú ý, ba trường thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội đều tham gia tuyển sinh ngành học này.

Cụ thể, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên mở ngành Công nghệ bán dẫn, dự kiến tuyển 140 chỉ tiêu và tổ chức đào tạo liên thông sau đại học tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ... Nhà trường dự kiến cấp 100 suất học bổng mỗi năm cho sinh viên tiếp tục học thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài. Ngành này tuyển sinh bằng nhiều tổ hợp gồm: A00, A01, A02, B00, C01, C02 và D07.

498594827_705239085382398_4805899517604790753_n.jpg
Các trường tham gia chương trình đào tạo nhân lực bán dẫn sẽ phải xây dựng chương trình theo chuẩn thống nhất, kết hợp đào tạo lý thuyết với thực hành tại doanh nghiệp, mở rộng liên kết quốc tế và tăng cường khả năng chuyển tiếp sau đại học.

Trường Đại học Công nghệ dự kiến tuyển khoảng 600 chỉ tiêu cho hai ngành mới là Công nghệ kỹ thuật Điện tử – Viễn thông (định hướng thiết kế vi mạch) và Công nghệ vật liệu – vi điện tử. Các tổ hợp xét tuyển gồm: A00, A01, D01, và hai tổ hợp mới là Toán – Tin – Tiếng Anh, Toán – Lý – Tiếng Anh.

Trường Đại học Việt Nhật cũng lần đầu mở ngành Công nghệ chip bán dẫn (ESCT), tuyển 100 chỉ tiêu với học phí dự kiến khoảng 58 triệu đồng/năm.

STT Trường Chỉ tiêu Học phí dự kiến (triệu đồng/năm)
1ĐH Khoa học tự nhiên14015-37
2ĐH Công nghệ60032-40
3ĐH Việt Nhật10058
4ĐH Công nghiệp--
5ĐH Sư phạm Hà Nội120-
6ĐH Khoa học và Công nghệ-56
7ĐH Bách Khoa Hà Nội18022-28

Một số cơ sở giáo dục khác cũng tham gia vào cuộc đua này. Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội lần đầu tuyển sinh ngành Vi mạch bán dẫn, hiện chưa công bố chỉ tiêu và phương thức xét tuyển cụ thể. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội mở mới ngành Vật lý học – chuyên ngành Vật lý bán dẫn và kỹ thuật, dự kiến tuyển 120 chỉ tiêu.

498592970_704427865463520_3223747994209348828_n.jpg
Đến năm 2025, cả nước sẽ có khoảng 35 trường trực tiếp đào tạo nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.

Trong khi đó, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) bước sang năm thứ hai đào tạo cử nhân ngành Công nghệ vi mạch bán dẫn. Chương trình học kéo dài 3 năm, giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, tích hợp các lĩnh vực: toán học, vật lý, điện tử, khoa học vật liệu và khoa học dữ liệu. Sinh viên năm thứ ba được tham gia thực tập 3–6 tháng tại các viện nghiên cứu và doanh nghiệp tại Việt Nam, Pháp và một số quốc gia khác.

Một số trường đại học khác tuy không mở ngành vi mạch riêng biệt nhưng vẫn có chương trình gần gũi. Đơn cử, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội hiện có ngành Kỹ thuật vi điện tử và Công nghệ nano với học phí khoảng 22–28 triệu đồng/năm.

Cơ hội nhưng cũng là thách thức: Không dành cho ai “ngại học”

Theo TS. Nguyễn Trung Hiếu, Phó Trưởng Khoa Kỹ thuật điện tử 1, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, nhu cầu tuyển dụng kỹ sư bán dẫn rất lớn: “Sinh viên ra trường có thể đảm nhận các vị trí như kỹ sư thiết kế, kỹ sư kiểm thử đóng gói, kỹ sư quản lý sản xuất tại các tập đoàn FDI hoặc nhà máy công nghệ cao.”

Điều đáng chú ý, nhiều chương trình đào tạo sử dụng song ngữ hoặc đa ngữ (Anh, Nhật, Hàn, Trung…), điều này giúp sinh viên tăng cơ hội việc làm và thu nhập cao hơn.

“Nhiều công ty FDI sẵn sàng trả thêm vài triệu đồng/tháng cho sinh viên giỏi ngoại ngữ", thầy Hiếu chia sẻ thêm.

Cũng theo thầy Hiếu, sinh viên ngành vi mạch sau khi tốt nghiệp có thể đảm nhận nhiều vị trí như: kỹ sư thiết kế vi mạch, kỹ sư kiểm thử, kỹ sư quản lý sản xuất…

507054829_723229593583347_4307297736872630962_n.jpg
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc ở nhiều vị trí: kỹ sư thiết kế chip, kỹ sư kiểm thử - đóng gói, kỹ sư quản lý sản xuất tại các nhà máy điện tử, công ty công nghệ cao trong nước và quốc tế.

Trong bối cảnh hàng loạt tập đoàn công nghệ toàn cầu đang đầu tư vào lĩnh vực chip bán dẫn tại Việt Nam, nhu cầu nhân lực có trình độ đại học trở lên được dự báo tăng mạnh trong ít nhất 5 năm tới.

PGS.TS Nguyễn Hải Đăng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội cũng nhấn mạnh: “Ngành vi mạch bán dẫn đòi hỏi sinh viên có nền tảng tốt về toán, lý, điện tử, vật liệu và tin học dữ liệu. Đây là ngành học liên ngành, yêu cầu sự bền bỉ, đam mê và năng lực ngoại ngữ tốt".

Trước xu thế toàn cầu hóa và chuyển dịch chuỗi cung ứng, việc đầu tư bài bản vào đào tạo ngành công nghệ vi mạch bán dẫn được xem là hướng đi chiến lược của nhiều trường đại học, đồng thời cũng là cơ hội lớn cho những thí sinh sẵn sàng đầu tư học tập nghiêm túc.

Văn Hiền