Xã hội

Cú 'đặt cược' lớn đầu đời của học sinh lớp 10: Đừng vô tình biến định hướng chọn ban học thành áp lực

Văn Hiền 15/07/2025 14:03

(CLO) Việc lựa chọn sai tổ hợp không đơn thuần là một bước sai về học thuật, mà còn có thể để lại vết hằn tâm lý sâu sắc trong quá trình phát triển nhân cách của con trẻ.

Phóng viên Báo Nhà báo và Công luận đã có cuộc trao đổi cùng TS Hoàng Trung Học, Chuyên gia tâm lý học trường học, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục để phụ huynh, giáo viên không “vô tình” biến định hướng chọn ban học thành áp lực cho học sinh.

z6805571025084_df68accca84d19026f4b9bc283188b5d.jpg
TS Hoàng Trung Học, Chuyên gia tâm lý học trường học, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục .

Phóng viên: Thưa TS Hoàng Trung Học, trong vai trò là một chuyên gia tâm lý học trường học, thầy nhìn nhận ra sao về tác động tâm lý đến học sinh khi phải đưa ra quyết định quan trọng ở tuổi 15?

TS Hoàng Trung Học: Tuổi 15 – giai đoạn học sinh bước vào lớp 10 – là một mốc chuyển tiếp rất quan trọng trong hành trình phát triển tâm lý và nhân cách của trẻ vị thành niên. Ở thời điểm này, học sinh đang trong tiến trình định hình bản sắc cá nhân, phát triển tư duy trừu tượng, chuyển tiếp sang giai đoạn trưởng thành nhưng vẫn còn phụ thuộc mạnh và cảm xúc, chưa hoàn toàn kiểm soát được hành vi như người trưởng thành.

Khi buộc phải đưa ra những quyết định mang tính quan trọng, phải có sự cân nhắc kỹ lưỡng như chọn tổ hợp môn học, chọn trường, hay xác định mục tiêu nghề nghiệp, các em sẽ phải đối diện với những yếu tố vượt quá mức năng lực tự chủ sẵn có, dẫn đến lo âu, căng thẳng, thậm chí khủng hoảng tâm lý.

Nghiên cứu trong tâm lý học trường học cho thấy, nếu thiếu đi sự hỗ trợ phù hợp từ người lớn – đặc biệt là từ cha/mẹ, giáo viên, và chuyên gia tâm lý thì học sinh rất dễ lựa chọn theo xu hướng “mượn bản sắc” (identity foreclosure), nghĩa là lựa chọn theo người khác mà chưa hiểu rõ mình là ai, mình thực sự muốn gì. Điều này có thể làm phát sinh những khủng hoảng muộn hơn trong quá trình học tập hoặc khi trưởng thành, bởi các em không thực sự sống với sở thích, giá trị và năng lực sở trường của mình.

Vì thế, mọi can thiệp tâm lý giáo dục trong giai đoạn này cần đặc biệt chú trọng đến việc nâng đỡ tâm lý, tạo không gian an toàn cho học sinh khám phá bản thân, khơi gợi động lực bên trong, thay vì áp đặt, hoặc thúc ép từ bên ngoài.

Phóng viên: Hiện nay, nhiều học sinh chọn tổ hợp môn học theo nhóm bạn, xu hướng xã hội, hoặc kỳ vọng của cha/mẹ. Điều này về lâu dài có thể ảnh hưởng như thế nào đến động lực học tập và sức khỏe tâm thần của các em?

TS Hoàng Trung Học: Đây là một thực trạng phổ biến và rất đáng lưu tâm. Theo các lý thuyết tâm lý học, động lực học tập bền vững chỉ được hình thành khi cá nhân cảm thấy được tự lựa chọn, được làm chủ, và cảm nhận được ý nghĩa nội tại trong hành động của mình.

Khi học sinh chọn tổ hợp môn không phải vì hiểu mình, mà hùa “theo nhóm bạn”, “theo trào lưu”, hay “đáp ứng kỳ vọng cha mẹ”, thì động lực học tập rất dễ bị đứt gãy. Các em có thể cố gắng trong ngắn hạn nhưng sẽ thiếu sự kiên trì, dễ mệt mỏi, chán nản và giảm sút năng suất học tập khi gặp khó khăn.

 Đối với bài thi Ngữ văn, mỗi bài thi sẽ do hai giám khảo chấm lại. Giám khảo chấm bài phúc khảo sẽ sử dụng bút mực có màu khác với màu đã được dùng chấm trước đó trên bài làm của thí sinh.
Việc ổn định tâm lý cho học sinh sau kỳ thi chuyển cấp và trước ngưỡng cửa lựa chọn tổ hợp là một nhiệm vụ mang tính hệ thống, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và chuyên gia.

Về mặt sức khỏe tâm thần, các em sẽ dễ rơi vào trạng thái mâu thuẫn nội tâm, cảm giác mất phương hướng, căng thẳng kéo dài, thậm chí kích hoạt rối loạn lo âu, rối loạn thích ứng. Một số học sinh có thể phát triển cơ chế phòng vệ tiêu cực như trốn tránh học tập, so sánh bản thân với người khác, hoặc cảm thấy “bị mắc kẹt” trong sự lựa chọn của chính mình.

Đây chính là lý do vì sao giáo dục hướng nghiệp và hỗ trợ tâm lý phải được triển khai sớm và đồng bộ từ cấp THCS, để giúp học sinh tự khám phá năng lực, sở thích, giá trị sống của bản thân trước khi ra quyết định học tập quan trọng.

Phóng viên: Làm sao để nhận diện một học sinh đang học “trái” với sở trường của mình, và đâu là dấu hiệu cảnh báo sớm để can thiệp, hỗ trợ kịp thời?

TS Hoàng Trung Học: Việc nhận diện sớm học sinh đang học không đúng với sở trường có thể được tiến hành thông qua 3 nhóm dấu hiệu chính:

(1) Dấu hiệu học tập: Học sinh học lệch, học đối phó, điểm số giảm sút bất thường ở các môn trong tổ hợp, thiếu tập trung, hoặc mất hứng thú với nội dung học;

(2) Dấu hiệu tâm lý – cảm xúc: Biểu hiện mệt mỏi kéo dài, chán học, lo âu, dễ cáu gắt, có thái độ tiêu cực với việc đến lớp, hoặc than vãn: “em thấy không phù hợp”, “em không thấy mình giỏi môn này”…;

(3) Dấu hiệu hành vi – xã hội: Giảm tương tác với bạn bè, né tránh thảo luận học tập, gia tăng xung đột với Cha/Mẹ, giáo viên về việc học.

Ngoài ra, cha/mẹ và giáo viên có thể phối hợp với chuyên gia tâm lý học đường để thực hiện các bài đo trắc nghiệm sở thích – năng lực học tập – tính cách như: test Holland (RIASEC), test Gardner, test MBTI… để chẩn đoán đúng, đối chiếu với thực tế học tập và đưa ra điều chỉnh sớm nếu cần.

 Tiêu chuẩn của Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng trường phổ thông có nhiều cấp học được quy định tại khoản 3 Điều 11 Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT. Ảnh: THCS Giảng Võ
Bên cạnh đó, việc đầu tư vào công tác tâm lý học đường không chỉ là chăm lo cho hiện tại, mà còn là gieo mầm hạnh phúc và thành công bền vững cho tương lai của các em.

Sự can thiệp kịp thời có thể giúp học sinh giảm áp lực, điều chỉnh kế hoạch học tập, hoặc có hướng chuyển đổi phù hợp trước khi hậu quả tích tụ thành khủng hoảng tâm lý.

Khi học sinh liên tục phải gồng mình học những môn không phù hợp, các em dễ hình thành niềm tin tiêu cực về bản thân (“mình kém cỏi”, “mình không có tương lai”), mất dần cảm giác kiểm soát cuộc đời – điều mà tâm lý học trường học gọi là tâm lý “học bất lực” (learned helplessness).

Lâu dài, các em sẽ trở nên thiếu tự tin, né tránh thử thách, sợ sai và lệ thuộc vào người khác trong việc ra quyết định. Điều đó làm giảm đáng kể khả năng phát triển tính tự chủ – một trụ cột của năng lực thích ứng trong thế kỷ 21.

Để tránh tình trạng “vô tình áp lực hóa định hướng”, phụ huynh và giáo viên cần chuyển từ vai trò “người chỉ đạo” sang “người đồng hành”. Thay vì nói “con nên chọn tổ hợp A để vào đại học B”, hãy hỏi: “Con thấy mình học tốt nhất môn nào? Con có hứng thú với nghề gì? Bố mẹ có thể hỗ trợ gì cho con?”

Tôn trọng tiếng nói nội tâm của học sinh, khuyến khích khám phá bản thân qua trải nghiệm thực tế (tư vấn hướng nghiệp, câu lạc bộ nghề, thực tế nghề nghiệp…) sẽ giúp các em đưa ra quyết định đúng đắn hơn và phát triển nhân cách lành mạnh hơn.

Phóng viên: Ở một góc nhìn khác, ông đánh giá ra sao về vai trò của chuyên gia tâm lý trong nhà trường hiện nay? Nếu được trao thêm vai trò chủ động trong hướng nghiệp, liệu chuyên gia tâm lý có thể trở thành “người bạn đồng hành” đáng tin cậy cho học sinh trong chọn ban học, chọn nghề?

TS Hoàng Trung Học: Ở Việt Nam, vị trí “viên chức tư vấn học sinh” đang từng bước được thể chế hóa, tuy nhiên, vẫn còn nhiều khoảng trống trong việc trao quyền, tạo điều kiện, và xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành.

z6802393032554_4af3e065613b3a41a2cd6007b24bc876.jpg
TS Học mong rằng, việc chọn tổ hợp môn học ở lớp 10 không chỉ là một quyết định đơn thuần, mà là bước đệm quan trọng mở ra cánh cửa tương lai cho mỗi em.

Tôi cho rằng, nếu được trao vai trò chủ động trong công tác hướng nghiệp, chuyên gia tâm lý có thể: Tổ chức đánh giá tâm lý nghề nghiệp định kỳ cho học sinh; Phối hợp xây dựng hồ sơ phát triển cá nhân; Tư vấn trực tiếp, hoặc tư vấn nhóm cho các học sinh đang phân vân khi chọn tổ hợp; Đào tạo kỹ năng hướng nghiệp cho giáo viên chủ nhiệm, cha mẹ học sinh.

Chuyên gia tâm lý với kiến thức khoa học và kỹ năng truyền thông hiệu quả hoàn toàn có thể trở thành “người bạn đồng hành đáng tin cậy”, không chỉ giúp học sinh chọn đúng tổ hợp, mà còn chọn đúng con đường sống tích cực, phù hợp và có giá trị cho tương lai.

Văn Hiền