Kinh tế

Bất động sản nghỉ dưỡng chưa thể ‘về bờ’: Giá cao, pháp lý vướng, nhà đầu tư vẫn dè chừng

Định Trần 16/07/2025 08:42

(CLO) Trong nửa đầu năm 2025, một số dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng mở bán đã giá giảm từ 5-7% so với trước đó để kích cầu và đẩy nhanh tốc độ hấp thụ.

Theo báo cáo của Hội Môi giới bất động sản, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tiếp tục ghi nhận tín hiệu phục hồi về nguồn cung với hàng loạt dự án quy mô lớn triển khai, tuy nhiên tốc độ hồi phục của phân khúc này vẫn ở mức khiêm tốn.

Về nguồn cung, toàn thị trường ghi nhận hơn 2.300 sản phẩm mở bán mới trong quý II/2025, gấp hơn 2 lần quý trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, nguồn cung mới đạt hơn 3.200 sản phẩm, tương đương năm trước nhưng chỉ bằng 29% cùng kỳ năm 2022.

Bat dong san Da Nang van nhieu co hoi giua dai dich Covid-19
Bất động sản nghỉ dưỡng bật dậy nhưng chưa thể ‘về bờ'. (Ảnh: PO)

Nguồn cung vẫn mang tính cục bộ, 80% nguồn cung mới mở bán trong quý II là sản phẩm cao tầng đến từ 1 dự án tại Hải Phòng. Tỷ lệ hấp thụ trên nguồn cung mới trong quý 2 đạt 52%, tương đương với hơn 1.200 giao dịch.

Tỷ lệ hấp thụ tốt bởi các dự án “tự tin” mở bán chủ yếu bởi các chủ đầu tư uy tín, có năng lực tài chính tốt, sở hữu quỹ đất đẹp và có chiến lược phát triển sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực tế, đồng thời áp dụng rộng rãi các chính sách chiết khấu, hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc,…

Tính chung 6 tháng đầu năm, có tổng khoảng 1.600 sản phẩm giao dịch thành công, giảm nhẹ so với cùng kỳ

Theo VARs, nhu cầu đầu tư phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng chưa thể bứt phá do tâm lý nhà đầu tư vẫn duy trì sự dè chừng và thận trọng.

Tuy nhiên vẫn đang tiếp tục gia tăng, thông qua hàng loạt dự án du lịch, nghỉ dưỡng ven biển quy mô lớn được khởi công, triển khai, với sản phẩm đa dạng cùng nhiều hoạt động để hút khách như bắn pháo hoa, làm mới hoạt động vui chơi giải trí, kéo theo làn sóng đầu tư.

Bên cạnh đó, hoạt động du lịch phục hồi mạnh mẽ, với lượng khách quốc tế cao kỷ lục, kéo theo nhu cầu lưu trú, nghỉ dưỡng gia tăng. Lãi suất duy trì ổn định ở mức thấp, tạo điều kiện cho nhà đầu tư,...

Về giá bán, mặt bằng giá sơ cấp tiếp tục “neo” ở mức cao. Một số dự án mở bán trong quý II với mức giá giảm từ 5-7% so với trước đó để kích cầu và đẩy nhanh tốc độ hấp thụ.

Một số dự án mở bán giá cao tiếp tục phải đóng giỏ hàng do không phát sinh giao dịch bởi sản phẩm không đa dạng, trong bối cảnh tâm lý nhà đầu tư chưa phục hồi hoàn toàn khi các vấn đề pháp lý chưa được tháo gỡ triệt để, các cam kết lợi nhuận không được thực hiện,...

Giá bán thứ cấp đã thoát “đáy” khi tâm lý nhà đầu tư dần tích cực hơn với kỳ vọng vào triển vọng phục hồi của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, thanh khoản nhìn chung vẫn ở mức thấp, giao dịch diễn ra rất chọn lọc, tập trung chủ yếu vào các dự án có pháp lý minh bạch,

Giá bán trên thị trường thứ cấp tại một số khu vực nghỉ dưỡng thuộc diện sáp nhập hành chính ghi nhận tăng nhẹ, từ 3-5% so với đầu năm do tâm lý kỳ vọng vào tiềm năng phát triển hạ tầng du lịch - dịch vụ khi các địa phương được sáp nhập.

VARs nhận định, áp lực chi phí đầu vào, nhất là chi phí liên quan đến đất đai tăng cao, tiếp tục là nguyên nhân khiến các dự án gặp “khó" trong việc tái cơ cấu sản phẩm và giá bán.

Chi phí tài chính phát sinh trong khoảng thời gian tạm dừng dự án cũng “buộc” chủ đầu tư tăng giá bán khi “hồi sinh" dự án để đảm bảo lợi nhuận.

“Các chủ đầu tư vẫn triển khai nhiều ưu đãi mang tính dài hạn như giảm giá trực tiếp 5-10%, hỗ trợ lãi suất 0% trong 12-24 tháng, tặng nội thất,... nhưng hiệu quả không đạt như kỳ vọng”, VARs nêu.

Định Trần