Tiêu điểm Quốc tế

Lý do Ukraine điều chỉnh nội các giữa bối cảnh chiến sự kéo dài

Hùng Anh 16/07/2025 15:28

(CLO) Trong bối cảnh chiến sự vẫn căng thẳng và xã hội Ukraine ngày càng mệt mỏi vì xung đột kéo dài, Tổng thống Volodymyr Zelenskyy đã quyết định thay đổi Thủ tướng.

Việc bổ nhiệm Yulia Svyrydenko thay thế Denys Shmyhal diễn ra giữa các tranh cãi pháp lý, áp lực chính trị và mâu thuẫn phe phái, cho thấy nỗ lực làm mới bộ máy điều hành đất nước của Tổng thống Zelenskyy. Đây là một bước đi gây chú ý không chỉ vì yếu tố nhân sự, mà còn phản ánh sự tái cấu trúc quyền lực trong nội bộ chính quyền

Chính phủ Ukraine thay đổi như thế nào?

Vào tối ngày 14/7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy công bố đề xuất thay đổi sâu rộng trong chính phủ. Ông đề cử bà Yulia Svyrydenko, Phó Thủ tướng thứ nhất kiêm Bộ trưởng Kinh tế, vào vị trí Thủ tướng, thay thế ông Denys Shmyhal, người giữ chức vụ này từ năm 2020.

Ông Shmyhal được dự kiến sẽ đảm nhiệm vai trò Bộ trưởng Quốc phòng. Theo lời Tổng thống Zelenskyy, kinh nghiệm quản lý của ông Shmyhal sẽ “hữu ích cho vị trí Bộ trưởng Quốc phòng”, nơi đang nắm giữ “nguồn lực tối đa của đất nước” và có “nhiệm vụ và trách nhiệm lớn nhất”.

Ngày 15/7, ông Shmyhal chính thức nộp đơn từ chức lên Quốc hội Ukraine (Verkhovna Rada).

814-202507160907221.jpg
Thủ tướng Denys Shmyhal chính thức nộp đơn từ chức lên Quốc hội Ukraine. Ảnh: RIA Novosti

Trên Telegram, Tổng thống Zelenskyy bày tỏ kỳ vọng Quốc hội sẽ ủng hộ nội các mới, đồng thời nhấn mạnh các ưu tiên chiến lược: (1) Đánh giá toàn diện các thỏa thuận quốc tế, nhằm xác định thỏa thuận nào hiệu quả, thỏa thuận nào cần sửa đổi hoặc bổ sung; (2) Tăng cường sản xuất vũ khí trong nước, đồng thời thúc đẩy các dự án quốc phòng chung với đối tác quốc tế; (3) Tái cơ cấu hệ thống hành chính, giảm chi phí và loại bỏ các thủ tục rườm rà, trùng lặp; (4) Tăng cường niềm tin xã hội, thông qua cải cách và nâng cao hiệu quả quản lý.

Bà Svyrydenko, trong một thông điệp trên mạng xã hội, cảm ơn sự tín nhiệm của Tổng thống Zelenskyy và cho biết đang chuẩn bị trình danh sách các thành viên nội các mới cũng như các biện pháp chính sách cụ thể lên Quốc hội.

Theo báo Ukrainska Pravda, Quốc hội dự kiến sẽ phê duyệt đơn từ chức của nội các hiện tại vào ngày 16/7, và thông qua nội các mới vào ngày 17/7.

Ngoài thay đổi Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng, chính quyền Ukraine cũng lên kế hoạch luân chuyển đại sứ tại 20 quốc gia, chủ yếu là các nước G7 và G20. Mục tiêu là tăng cường hiện diện và ảnh hưởng ngoại giao, đặc biệt tại các đối tác quan trọng như Mỹ và Anh.

Đại sứ tại Anh, ông Valeriy Zaluzhny, cựu Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ukraine, có khả năng bị thay thế, tuy nhiên người kế nhiệm hiện chưa được công bố.

Vị trí đại sứ tại Mỹ được dự đoán sẽ có thay đổi quan trọng, trong đó Rustem Umerov, Bộ trưởng Quốc phòng đương nhiệm, là ứng viên sáng giá. Tổng thống Zelenskyy đã đề cập khả năng bổ nhiệm ông Umerov làm đại sứ Mỹ trong Hội nghị tái thiết Ukraine được tổ chức ở Rome ngày 10/7, nhấn mạnh “vai trò chiến lược của Washington” trong việc củng cố năng lực quốc phòng Ukraine.

Theo đại biểu Yaroslav Zheleznyak (đảng Holos), người thường đưa ra thông tin chính xác về các thay đổi trong chính trường Ukraine, nội các mới sẽ không có gương mặt hoàn toàn mới. Dự kiến: Ngoại trưởng Andriy Sybiha, Bộ trưởng Tài chính Serhiy Marchenko và Bộ trưởng Y tế Viktor Lyashko sẽ giữ nguyên chức vụ. Phó Thủ tướng phụ trách Hội nhập châu Âu và Euro-Atlantic, Olha Stefanishyna, có thể rời vị trí để đảm nhiệm vai trò đại sứ Ukraine tại Liên minh châu Âu (EU).

Tại sao Tổng thống Zelensky thay đổi Thủ tướng?

Việc thay thế Thủ tướng Denys Shmyhal không hoàn toàn bất ngờ, nhưng lần này, nó đã thực sự diễn ra sau nhiều năm đồn đoán. Theo các phân tích chính trị và nguồn tin từ nghị trường Ukraine, quyết định này xuất phát từ sự kết hợp giữa yếu tố chính trị, hiệu quả điều hành, và đấu tranh nội bộ.

814-202507160907222.jpg
Tổng thống Volodymyr Zelenskyy và bà Yulia Svyrydenko, người được đề cử là tân Thủ tướng Ukraine. Ảnh: RIA Novosti

Thứ nhất, theo đại biểu Yaroslav Zheleznyak, nội các của Thủ tướng Denys Shmyhal, mặc dù từng được duy trì qua nhiều lần cải tổ, đang ngày càng mất đi sự ủng hộ trong chính đảng cầm quyền Phụng sự nhân dân. Thay vì để phe đối lập kích hoạt quá trình miễn nhiệm, Văn phòng Tổng thống chủ động dẫn dắt việc thay đổi nhân sự để kiểm soát tình hình.

Thứ hai, Chính phủ của Thủ tướng Denys Shmyhal bị đánh giá là thiếu hiệu quả trong việc xử lý các vấn đề kinh tế và ngân sách, trong bối cảnh chiến tranh kéo dài và nhu cầu tái thiết ngày càng cấp bách. Việc thay thế lãnh đạo hành pháp được xem như một cách tái khẳng định năng lực điều hành, dù về bản chất, cấu trúc quyền lực không thay đổi.

Thứ ba, do thiết quân luật vẫn đang được áp dụng, các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội đều bị hoãn vô thời hạn. Trong hoàn cảnh đó, việc cải tổ chính phủ trở thành lựa chọn khả thi nhất để tạo cảm giác thay đổi và làm mới hình ảnh chính quyền, hướng tới ổn định xã hội giữa chiến tranh.

Thứ tư, bên cạnh lý do chính thức, báo Strana.ua và các nguồn chính trị nội bộ tiết lộ cuộc cải tổ này phản ánh cuộc đấu quyền lực âm thầm trong giới lãnh đạo Ukraine. Andriy Yermak, Chánh Văn phòng Tổng thống, được cho là người hậu thuẫn mạnh mẽ cho bà Yulia Svyrydenko. Trong khi đó, David Arakhamia, đại diện cho đảng cầm quyền Phụng sự nhân dân tại Quốc hội, lâu nay là người bảo vệ Thủ tướng Denys Shmyhal. Việc Thủ tướng Denys Shmyhal mất ghế được coi là một đòn giáng vào ảnh hưởng của ông Arakhamia trong hệ thống quyền lực.

Một số nhân vật chính trị, trong đó có cựu Thủ tướng Mykola Azarov, đặt câu hỏi về tính hợp pháp của việc thay đổi chính phủ dưới luật thiết quân luật. Theo Hiến pháp Ukraine, việc đề cử Thủ tướng phải đến từ đa số nghị viện, không phải từ Tổng thống. Tuy nhiên, trên thực tế, Quốc hội Ukraine hiện nay phần lớn đồng thuận với Văn phòng Tổng thống, và nhiều chuyên gia thừa nhận rằng luật pháp thường bị “linh hoạt hóa” trong thời chiến.

Việc Tổng thống Zelenskyy thay đổi Thủ tướng và tiến hành cải tổ nội các phản ánh nhu cầu điều chỉnh chiến lược trong bối cảnh Ukraine đang đối mặt với thách thức kép: cuộc chiến kéo dài và áp lực nội tại ngày càng gia tăng. Dù sự thay đổi nhân sự cấp cao được trình bày như một bước đi nhằm tăng hiệu quả điều hành, không ít ý kiến cho rằng đây còn là kết quả của những tính toán chính trị và sự tái sắp xếp quyền lực trong nội bộ chính quyền.

Trong thời kỳ không có bầu cử và luật thiết quân luật vẫn đang được áp dụng, cải tổ nội các trở thành công cụ chính để tạo ra hình thức đổi mới với hy vọng có thể đem lại sự hiệu quả điều hành trong thời điểm đặc biệt khó khăn của Ukraine.

Hùng Anh