Tin tức

Đánh giá cán bộ công chức theo KPI:Cụ thể hóa trách nhiệm, minh bạch hóa kết quả công vụ

Quốc Trần 17/07/2025 09:15

TS. Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng xây dựng bộ chỉ số để đánh giá hiệu quả công vụ của cán bộ, công chức – thường gọi là KPI sẽ tạo ra một công cụ đánh giá công tâm, minh bạch, cụ thể hơn nhiều so với cách làm truyền thống vốn nặng tính định tính, dễ nể nang.

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ Nội vụ đang xây dựng bộ công cụ đánh giá hiệu quả công việc (KPI) nhằm triển khai áp dụng thống nhất trên toàn quốc, với mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức các cấp, đặc biệt là ở cấp xã – nơi đang gánh vác khối lượng công việc rất lớn trong mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo NB&CL có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ để phân tích, làm rõ hơn vấn đề.

o1.jpg
TS. Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Ảnh: Xuân Huy

+ Thưa ông, việc xây dựng bộ chỉ số đánh giá hiệu quả thực thi công vụ (KPI) cho cán bộ, công chức đang được Bộ Nội vụ triển khai. Ông có thể chia sẻ ý kiến về quá trình này và những điểm mới trong cách tiếp cận so với trước đây?

- TS. Nguyễn Tiến Dĩnh: Bộ Nội vụ đang xây dựng bộ chỉ số để đánh giá hiệu quả công vụ của cán bộ, công chức – thường gọi là KPI. Đây là yêu cầu đặt ra sau khi Luật Cán bộ, công chức được sửa đổi, bổ sung, phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp. Việc này sẽ tạo ra một công cụ đánh giá công tâm, minh bạch, cụ thể hơn nhiều so với cách làm truyền thống vốn nặng tính định tính, dễ nể nang.

Trước đây, Nghị định của Chính phủ đã quy định tiêu chí, phương pháp, thời gian và thẩm quyền đánh giá. Tuy nhiên, phần lớn vẫn mang tính hình thức, chung chung – như đánh giá phẩm chất chính trị, đạo đức, hoàn thành nhiệm vụ hay không – mà chưa lượng hóa được hiệu quả công việc. Nay, KPI sẽ giúp định lượng: công chức được giao bao nhiêu nhiệm vụ, hoàn thành bao nhiêu, chất lượng ra sao, thời gian thế nào… Tất cả đều được cụ thể hóa theo từng vị trí việc làm.

+ Việc gắn KPI với vị trí việc làm sẽ thay đổi cách đánh giá như thế nào và tâm lý cán bộ công chức liệu có bị ảnh hưởng khi áp dụng KPI, thưa ông?

- TS. Nguyễn Tiến Dĩnh: KPI không áp dụng “một khuôn cho tất cả” mà bám sát vào mô tả công việc của từng vị trí. Mỗi vị trí có nhiệm vụ, khối lượng công việc và yêu cầu riêng, từ đó xác định chỉ tiêu cụ thể. Ví dụ, một công chức được giao soạn thảo văn bản – thì số lượng, chất lượng, thời gian hoàn thành, mức độ chỉnh sửa… đều là tiêu chí đánh giá. Có sáng tạo, có đề xuất ý tưởng mới hay không cũng được tính đến.

Thay vì chỉ nói “hoàn thành nhiệm vụ”, nay sẽ có con số cụ thể: 50%, 80%, 100%. Quan trọng hơn, người sử dụng lao động (tức thủ trưởng đơn vị) là người trực tiếp giao nhiệm vụ và đánh giá, dựa trên sản phẩm thực tế, tránh tình trạng “cùng nhau hoàn thành” hoặc cả nể như trước.

Tất nhiên là có, nhất là thời gian đầu tâm lý cán bộ, công chức sẽ có thể bị ảnh hưởng. Vì khi mọi thứ được lượng hóa, rõ ràng, minh bạch, sẽ không còn chỗ cho nể nang. Những ai thực sự làm tốt thì không lo, nhưng nếu làm việc hình thức, trông chờ vào cảm tính thì sẽ thấy áp lực; tuy nhiên, điều đó là cần thiết. Cán bộ, công chức là lực lượng thực thi chính sách cần được đánh giá công bằng và phản ánh đúng thực chất công việc, không thể “một màu xám” như nhau.

+ Theo ông, trong tương lai, khi cải cách tiền lương được triển khai, KPI sẽ có vai trò ra sao?

- TS. Nguyễn Tiến Dĩnh: KPI sẽ là cơ sở để trả lương theo vị trí việc làm. Khi cải cách tiền lương thực hiện, không còn lương cơ sở nữa mà mức lương phụ thuộc vào vị trí đảm nhiệm và mức độ hoàn thành công việc. Muốn như vậy, phải xác định rõ mô tả công việc của từng vị trí, gồm nhiệm vụ, khối lượng, yêu cầu, tiêu chuẩn, năng lực chuyên môn. Đó là điều chúng ta đang dần hoàn thiện.

Việc đánh giá theo KPI cũng gắn với “ngạch công chức” chuyên viên đến chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp, chuyên gia… Tất cả đều phải gắn với hiệu quả thực thi công vụ.

+ Hiện nay, có khoảng 500 thủ tục hành chính được chuyển xuống cấp xã. Điều này có đặt ra áp lực nào cho cán bộ cấp cơ sở khi áp KPI hay không, thưa ông?

- TS. Nguyễn Tiến Dĩnh: Tôi nghĩ là không ảnh hưởng. Thủ tục hành chính chuyển về cấp xã là một phần trong cải cách tổ chức bộ máy, giảm tầng nấc trung gian giúp người dân, doanh nghiệp được phục vụ nhanh hơn, tốt hơn. Ngược lại, KPI giúp đánh giá đúng hiệu quả thực thi của cán bộ ở từng vị trí. Anh tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục trong bao lâu, chất lượng ra sao, có đúng quy trình không… đều được lượng hóa. Có như vậy mới biết ai làm tốt, ai chưa đáp ứng.

Việc đánh giá theo KPI không làm chậm cải cách hành chính mà thúc đẩy nó thực chất hơn. Bởi công việc hành chính dù ở cấp nào đều là nhiệm vụ cụ thể. Có mô tả công việc, có chỉ tiêu rõ ràng, sẽ có đánh giá đúng năng lực và thái độ phục vụ.

+ Xin trân trọng cảm ơn ông!

Quốc Trần