Giao thông

Hạn chế xe chạy xăng: Cần lộ trình từng bước

Thế Anh 17/07/2025 13:00

Việc giảm lượng xe cá nhân chạy bằng xăng với hàng triệu lượt di chuyển mỗi ngày tại khu vực đường Vành đai 1 (TP. Hà Nội) có thể mang lại tác động đáng kể đến chất lượng không khí, mỹ quan đô thị.

Báo động ô nhiễm không khí Hà Nội ngày càng nghiêm trọng

Trong bối cảnh ô nhiễm không khí tại Hà Nội ngày càng trở nên nghiêm trọng, các giải pháp giảm thiểu khí thải và cải thiện chất lượng môi trường đang được đặt ra cấp bách.

Một trong những đề xuất gần đây nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận là việc hạn chế xe chạy xăng trong khu vực đường Vành đai 1 - khu vực trung tâm các quận Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng với mật độ dân cư và giao thông dày đặc.

TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Hội Không khí sạch Việt Nam nhấn mạnh, chất lượng không khí tại Hà Nội đã suy giảm nghiêm trọng trong nhiều năm. Các chỉ số AQI thường xuyên đạt mức đỏ, tím, thậm chí nâu, gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cộng đồng.

Điều đáng lo ngại là xu hướng ô nhiễm không khí không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng. Đây là vấn đề “nóng” cần được đặt lên hàng đầu trong công tác quản lý đô thị và y tế.

Với hàng triệu lượt phương tiện lưu thông mỗi ngày, việc giảm lượng xe cá nhân chạy bằng xăng tại khu vực này có thể mang lại tác động đáng kể đến chất lượng không khí.

Ảnh 1.Ùn tắc và ô nhiễm môi trường từ phương tiện giao thông tại Hà Nội đang ngày càng nghiêm trọng.
Ùn tắc và ô nhiễm môi trường từ phương tiện giao thông tại Hà Nội đang ngày càng nghiêm trọng.

Trước thông tin thực hiện cấm xe máy chạy xăng theo lộ trình, anh Vượng (trú tại số 72 đường Nguyễn Trãi) chia sẻ, phương tiện nào cũ quá thì nên thải bỏ chứ xe còn mới mà bảo người dân bỏ e rằng khó thực hiện.

Đổi từ xe máy xăng sang xe điện sẽ tốn một khoản từ 30 - 40 triệu đồng là cả một vấn đề, nhất là những gia đình lao động thu nhập thấp, công nhân thì thực sự là khó khăn.

Còn theo chị Lan (trú tại phường Đống Đa), bản thân gia đình đang sử dụng hoàn toàn xe điện gồm cả ô tô và xe máy nên giờ việc hạn chế phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch cơ bản không ảnh hưởng gì tới sinh hoạt.

Tuy nhiên chị Lan cũng bày tỏ băn khoăn về những tác động tới đời sống xã hội, nếu như áp đặt một cách cứng nhắc. Lo lắng là tâm trạng của nhiều người bởi lâu nay, xe máy chạy xăng là phương tiện di chuyển chủ yếu.

Có cơ sở pháp lý nhưng cần lộ trình phù hợp

Thông tin từ Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, thực trạng ô nhiễm hiện nay là vấn đề cấp bách, cần được giải quyết bằng các giải pháp tổng thể, hành động cụ thể và lộ trình khả thi.

Triển khai Luật Thủ đô 2024, Thành phố đã ban hành Nghị quyết quy định vùng phát thải thấp và xác định các quy trình, quy định liên quan tới thiết lập vùng phát thải thấp.

Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung nghiên cứu và triển khai các chương trình, kế hoạch, biện pháp cụ thể nhằm thực hiện lộ trình kiểm soát phát thải phương tiện theo Luật Thủ đô 2024 và Chỉ thị 20/CT-TTg của Chính phủ.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện giao thông cá nhân. Đặc biệt với người dân đang sử dụng xe máy, ô tô chạy bằng xăng dầu tại khu vực Vành đai trung tâm của Thủ đô.

Ảnh 2.Giao thông công cộng cần phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân khi hạn chế phương tiện chạy bằng xăng.
Giao thông công cộng cần phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân khi hạn chế phương tiện chạy bằng xăng.

Hiện cả ô tô lẫn xe máy điện tuy đã có mặt tại thị trường Việt Nam nhưng vẫn còn chiếm tỷ lệ nhỏ và có giá thành cao. Hạ tầng trạm sạc chưa được phát triển đồng bộ và tâm lý e ngại của người dân về sự tiện lợi vẫn là rào cản lớn.

Ngoài ra, nếu người dân không còn dùng xe cá nhân chạy xăng, họ cần có lựa chọn thay thế như xe buýt điện, tàu điện đô thị (metro) hay xe máy điện với mạng lưới trạm sạc phủ rộng. Nhưng thực tế các phương tiện vận tải công cộng vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Trao đổi với PV, một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông đô thị khẳng định, khía cạnh xã hội là yếu tố then chốt quyết định tính khả thi của chính sách.

Phần lớn người dân tại Hà Nội, đặc biệt là ở khu vực nội đô vẫn sử dụng xe máy chạy xăng làm phương tiện di chuyển chính. Việc cấm hoặc hạn chế đột ngột có thể gây phản ứng mạnh từ dư luận nếu không có chính sách hỗ trợ rõ ràng.

Thay vì triển khai dồn dập, chính quyền có thể bắt đầu bằng các biện pháp mềm như thu phí khí thải, cấm theo giờ, áp dụng vào ngày cao điểm. Từ đó từng bước tiến tới cấm hoàn toàn khi đủ điều kiện.

Thế Anh