Giá lúa gạo hôm nay 17/7: Giao dịch trầm lắng, gạo nguyên liệu tăng nhẹ, xuất khẩu ổn định
Giá lúa gạo hôm nay ngày 17/7 ổn định, một số chủng loại tăng giá nhẹ; xuất khẩu giữ vững mức giá, Thái Lan lo lắng về sản lượng cả năm.
Thị trường nội địa trầm lắng, giá nhích nhẹ ở một số chủng loại
Theo ghi nhận từ thị trường nông sản ngày 17/7, lượng hàng về tại các kho tương đối hạn chế, hoạt động giao dịch diễn ra cầm chừng. Giá một số loại gạo nguyên liệu như CL 555 tăng nhẹ lên mức 8.250 – 8.350 đồng/kg. Các loại gạo khác như OM 380, OM 18, IR 504 và 5451 cũng dao động ổn định trong khoảng 7.600 – 9.700 đồng/kg tùy loại.
Ở phân khúc gạo thành phẩm, gạo OM 380 được chào bán với giá 8.800 – 9.000 đồng/kg, trong khi gạo IR 504 giữ mức 9.500 – 9.700 đồng/kg. Giá gạo nội địa hôm nay không có nhiều thay đổi, phản ánh xu hướng giao dịch dè dặt của cả bên mua lẫn bán.
Đối với phụ phẩm, giá tấm thơm IR504 dao động trong khoảng 7.000 – 7.300 đồng/kg; giá cám ở mức 8.000 – 9.000 đồng/kg, ổn định so với phiên liền trước.

Tại các địa phương trọng điểm như An Giang, Sa Đéc, Lấp Vò (Đồng Tháp), lượng hàng về không cao, giao dịch thưa thớt. Một số khu vực như chợ Sa Đéc ghi nhận kho mua đều, tuy nhiên mức giá không biến động mạnh. Tại An Cư (Đồng Tháp mới), tình hình giao dịch vẫn khá trầm lắng.
Trên thị trường bán lẻ, giá gạo thơm các loại, gạo trắng thông dụng và gạo đặc sản giữ ổn định. Hiện gạo Nàng Nhen tiếp tục là loại có giá cao nhất, đạt 28.000 đồng/kg; gạo Hương Lài 22.000 đồng/kg; gạo Jasmine, gạo Đài Loan, Sóc Thái và gạo Nhật duy trì trong khoảng 16.000 – 22.000 đồng/kg.
Về giá lúa, theo cập nhật từ Sở Nông nghiệp và Môi trường An Giang, lúa OM 18 tươi đang được thu mua với mức giá 6.000 – 6.200 đồng/kg; lúa IR 50404 ở mức 5.700 – 5.800 đồng/kg; các loại lúa như OM 5451, Nàng Hoa 9 và Đài Thơm 8 cũng giao dịch trong khoảng từ 5.900 – 6.200 đồng/kg.
Tại Long An, An Giang, Hậu Giang và Đồng Tháp, thị trường lúa gạo hôm nay duy trì sự ổn định. Tuy nguồn cung mới đang dần xuất hiện từ các cánh đồng thu hoạch, song nhu cầu thu mua chưa tăng mạnh. Thương lái mua đều nhưng cẩn trọng, chờ thêm tín hiệu từ thị trường xuất khẩu.
Thị trường xuất khẩu gạo hôm nay: Giá gạo Việt ổn định, Thái Lan lo lắng về mục tiêu năm
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hôm nay không có nhiều biến động so với phiên trước. Trong khi đó, Thái Lan đang đối mặt với áp lực sụt giảm sản lượng xuất khẩu, khi nhu cầu từ các thị trường lớn giảm sút.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo 5% tấm của Việt Nam hiện được giữ ổn định ở mức 357 USD/tấn. Gạo 25% tấm giao dịch ở mức 317 USD/tấn, không đổi so với hôm qua. Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan và Ấn Độ đang lần lượt ở mức 374 và 375 USD/tấn. Pakistan vẫn là quốc gia chào bán cao nhất với mức giá 388 USD/tấn cho cùng loại gạo.
Giá gạo xuất khẩu Việt Nam hôm nay tiếp tục giữ được ưu thế cạnh tranh so với Thái Lan, đặc biệt tại thị trường châu Á. Tại Philippines – một trong những đối tác nhập khẩu chính, gạo Việt đang chiếm ưu thế cả về giá lẫn chất lượng, khiến lượng gạo Thái tiêu thụ chỉ đạt khoảng 125.000 tấn trong nửa đầu năm.
Theo thông tin từ Bộ Thương mại Thái Lan, quốc gia này đang triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ người trồng lúa và thúc đẩy tiêu thụ gạo sau khi giá lúa nội địa giảm mạnh. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa khả quan. Trong 5 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu gạo Thái Lan chỉ đạt 3,05 triệu tấn, giảm 25,6% về lượng và 34% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân chính nằm ở việc Indonesia – thị trường chủ lực tạm thời ngừng nhập khẩu. Bên cạnh đó, các rào cản thương mại từ Mỹ và sự cạnh tranh gay gắt tại thị trường quốc tế cũng khiến gạo Thái mất dần lợi thế.
Mặc dù sản lượng lúa vụ mới 2025 – 2026 được dự báo sẽ tăng hơn 5%, nhưng kỳ vọng xuất khẩu không mấy khả quan. Hiện giá gạo nguyên liệu chưa xay xát (15% độ ẩm) chỉ dao động từ 6.400 – 7.400 baht/tấn, còn gạo jasmine cao cấp cũng chỉ đạt khoảng 15.500 – 16.300 baht/tấn mức khá thấp so với cùng kỳ các năm trước.
Ông Chookiat Ophaswongse, Chủ tịch danh dự của Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan bày tỏ lo ngại rằng mục tiêu xuất khẩu 7,5 triệu tấn trong năm 2025 khó đạt được, nhiều khả năng sẽ dừng lại ở mức 7 triệu tấn, thấp nhất trong gần một thập kỷ.
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, Thái Lan không chỉ phải đối đầu với Việt Nam và Ấn Độ về giá gạo xuất khẩu, mà còn đối diện với bài toán dài hạn: cân bằng giữa giá bán và thu nhập bền vững cho người nông dân.