Kinh tế

Từ 37% lên 73%: Phụ nữ tại các nước đang phát triển đã 'lật ngược thế cờ' tài chính

Định Trần 17/07/2025 15:54

(CLO) Ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, tỷ lệ phụ nữ sở hữu tài khoản đã tăng gần gấp đôi, từ 37% năm 2011 lên 73% vào năm 2024.

Theo báo cáo Global Findex 2025 của Nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), số người trưởng thành tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình có tài khoản ngân hàng hoặc các loại tài khoản tài chính khác đạt mức cao nhất từ trước đến nay, kéo theo sự gia tăng của các tài khoản tiết kiệm chính thức. Xu hướng tài chính toàn diện này đang tạo ra những cơ hội kinh tế mới.

Đáng chú ý, công nghệ điện thoại di động là nhân tố chính thúc đẩy sự tăng trưởng này, với 10% người trưởng thành tại các nền kinh tế đang phát triển sử dụng tài khoản tiền di động để tiết kiệm.

Báo cáo của WB cũng nêu, năm 2024, 40% người trưởng thành tại các nền kinh tế đang phát triển đã gửi tiết kiệm qua tài khoản tài chính, tăng 16 điểm phần trăm so với năm 2021, đây cũng là mức tăng nhanh nhất trong hơn một thập kỷ.

cach-kiem-tra-so-tai-khoan-ngan-hang-1-.jpg
Ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, tỷ lệ phụ nữ sở hữu tài khoản đã tăng gần gấp đôi, từ 37% năm 2011 lên 73% vào năm 2024. (Ảnh: PO)

Sự gia tăng của tiết kiệm cá nhân thông qua các kênh chính thức như ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính đang góp phần củng cố hệ thống tài chính quốc gia, từ đó huy động thêm nguồn vốn cho đầu tư, đổi mới và tăng trưởng kinh tế.

Tại khu vực châu Phi Hạ Sahara, tỷ lệ người dân tiết kiệm qua các kênh chính thức đã tăng 12 điểm phần trăm, đạt 35% ở người trưởng thành.

Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới, ông Ajay Banga nhận định: Tài chính toàn diện có tiềm năng cải thiện đời sống người dân và chuyển đổi toàn bộ nền kinh tế. Tài chính số có thể hiện thực hóa tiềm năng này, nhưng điều đó đòi hỏi sự hội tụ của nhiều yếu tố.

“Chúng tôi đang hiện đại hóa hệ thống thanh toán và giúp gỡ bỏ các rào cản pháp lý, nhằm giúp người dân và doanh nghiệp có nguồn tài chính cần thiết cho đổi mới sáng tạo và tạo việc làm”, ông Ajay Banga nói.

Ông Bill Gates, Chủ tịch Quỹ Gates, một trong những người ủng hộ Global Findex, cho biết: Ngày càng có nhiều người, bao gồm cả phụ nữ và những nhóm từng bị bỏ lại phía sau, tiếp cận được các công cụ tài chính để đầu tư cho tương lai và tăng cường sức chống chịu trước các biến động kinh tế. Đây là một bước tiến thực sự có ý nghĩa.

“Điều này cho thấy một thông điệp rõ ràng: đầu tư vào các hệ thống tài chính toàn diện, hạ tầng số công và kết nối số là con đường hiệu quả đã được kiểm chứng để mở ra cơ hội cho tất cả mọi người”, ông Bill Gates nêu.

Global Findex là cơ sở dữ liệu hàng đầu về mức độ tiếp cận dịch vụ tài chính trên toàn cầu, từ thanh toán, tiết kiệm đến vay vốn. Báo cáo ghi nhận một cột mốc quan trọng trong hành trình tiếp cận tài chính toàn diện: gần 80% người trưởng thành trên thế giới hiện có tài khoản tài chính, tăng từ 50% vào năm 2011.

Tuy nhiên, 1,3 tỷ người trưởng thành vẫn chưa được tiếp cận các dịch vụ tài chính. Điện thoại di động có thể giúp thu hẹp khoảng cách này.

Thống kê cho thấy, trong số những người trưởng thành chưa có tài khoản tài chính, khoảng 900 triệu người đã sở hữu điện thoại di động, bao gồm 530 triệu người có điện thoại thông minh.

Dữ liệu Findex cũng cho thấy các dịch vụ tài chính số đang giúp thu hẹp khoảng cách giới trong việc sở hữu tài khoản: trên toàn cầu, 77% phụ nữ đã có tài khoản so với 81% nam giới.

Ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, tỷ lệ phụ nữ sở hữu tài khoản đã tăng gần gấp đôi, từ 37% năm 2011 lên 73% vào năm 2024.

Đây là lần đầu tiên báo có dữ liệu về việc tỷ lệ người dân sở hữu điện thoại di động và sử dụng internet. Theo mục Theo dõi Kết nối số của Global Findex 2025, trên toàn cầu, 86% người trưởng thành sở hữu điện thoại di động, và 68% trong số đó sử dụng điện thoại thông minh.

Tuy nhiên, việc sử dụng điện thoại để giao dịch cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro mới: trong số 4 tỷ người trưởng thành tại các nền kinh tế thu nhập thấp và trung bình có điện thoại di động, chỉ khoảng một nửa sử dụng mật khẩu để bảo vệ thiết bị.

Tại tất cả các quốc gia đang phát triển, số người trưởng thành sử dụng điện thoại hoặc thẻ để thanh toán cho người bán ngày càng tăng.

Năm 2024, 42% người trưởng thành tại các quốc gia thu nhập thấp và trung bình đã thực hiện thanh toán điện tử tại cửa hàng hoặc trực tuyến—tăng từ 35% vào năm 2021.

Bên cạnh đó, ba phần tư số người nhận trợ cấp từ chính phủ và một nửa số người hưởng lương đều nhận tiền thông qua tài khoản. Phương thức này giúp giảm thất thoát và đảm bảo tiền đến đúng người thụ hưởng.

Định Trần