Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Chính phủ 15 văn bản hướng dẫn thi hành Luật Nhà giáo
(CLO) Để đảm bảo Luật Nhà giáo có hiệu lực từ ngày 1/1/2026, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang đứng trước khối lượng công việc “khổng lồ” khi phải hoàn thành 3 Nghị định và 12 Thông tư hướng dẫn chỉ trong vòng 6 tháng trình Chính phủ.
Theo ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT sẽ trình Chính phủ 3 nghị định gồm: Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà giáo; Nghị định về chính sách tiền lương, phụ cấp, hỗ trợ và thu hút nhà giáo; Nghị định về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức ngành Giáo dục.
Song song đó, Bộ cũng phải ban hành theo thẩm quyền 12 thông tư hướng dẫn các nội dung như: chuẩn nghề nghiệp, chế độ làm việc, quy tắc ứng xử, chức danh tương đương, thẩm quyền tuyển dụng...

Không chỉ vậy, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an cũng sẽ xây dựng các thông tư riêng về nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý của mình.
Ông Vũ Minh Đức cho biết, thời gian gấp rút và lực lượng cán bộ thực hiện còn mỏng là thách thức lớn nhất hiện nay. Ngoài ra, việc hệ thống pháp luật liên tục thay đổi, đặc biệt trong tổ chức chính quyền địa phương và quản lý viên chức, cũng đòi hỏi các văn bản hướng dẫn phải cập nhật thường xuyên, bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ.

Chưa dừng lại ở đó, Bộ GD&ĐT đang cùng lúc triển khai sửa đổi, bổ sung 3 luật quan trọng: Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, các nội dung liên quan đến đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên trường học sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với tinh thần mới của Luật Nhà giáo và đáp ứng các yêu cầu thực tiễn.
“Khối lượng công việc rất lớn nhưng đây là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để tạo đột phá trong chính sách đối với nhà giáo – lực lượng nòng cốt của ngành giáo dục”, ông Vũ Minh Đức nhấn mạnh.