Chiến thuật lời nói - Tổng thống Trump và thông điệp cứng rắn gửi tới Nga
(CLO) Trong bối cảnh các vòng đàm phán giữa Nga và Ukraine tiếp tục rơi vào bế tắc, Tổng thống Mỹ Donald Trump có vẻ như mất kiên nhẫn. Đầu tuần này, ông Trump đã chuyển sang sử dụng ngôn ngữ “nắn gân” mạnh mẽ đối với Nga, gây chú ý và tranh luận trên toàn cầu.
Mỹ và châu Âu đạt thỏa thuận cung cấp vũ khí cho Ukraine
Ngày 14/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gặp Tổng Thư ký NATO Mark Rutte để thảo luận về cuộc khủng hoảng Ukraine. Cuộc họp có sự tham dự của Phó Tổng thống J.D. Vance và Ngoại trưởng Marco Rubio. Sau cuộc trao đổi ngắn, hai bên thống nhất kế hoạch tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine.
.png)
Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ sẽ cung cấp vũ khí, nhưng chi phí do các nước châu Âu chi trả. Ông khẳng định NATO sẽ điều phối việc giao hàng, với sự tham gia của Đại diện Thường trực Mỹ tại Liên minh - Matthew Whitaker. Theo Axios, Mỹ dự kiến thu về khoảng 10 tỷ USD từ thỏa thuận này. Các quốc gia tham gia gồm: Đức, Hà Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Estonia.
Viện trợ mới sẽ bao gồm 17 tổ hợp Patriot, trong đó có radar, trạm chỉ huy và khoảng 60-70 bệ phóng. Theo chuyên gia quân sự Nga Dmitry Kornev, lô vũ khí này sẽ giúp Ukraine tăng cường phòng thủ tại Kiev và một số khu vực khác, song nguồn cung đạn dược duy trì các hệ thống vẫn còn là dấu hỏi.
Dù vậy, giới phân tích tỏ ra hoài nghi về tính hiệu quả chiến lược của Patriot. Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma, ông Alexey Zhuravlev, cho rằng Patriot không phải là “siêu vũ khí”, đồng thời nhấn mạnh Nga có hệ thống S-400 với tính năng vượt trội hơn. Ông cũng để ngỏ khả năng Nga đáp trả bằng cách cung cấp S-400 cho các đối tác như Iran hoặc lực lượng Houthi tại Yemen.
Dù đưa ra nhiều chỉ trích về tình hình, ông Trump cũng cho biết các cuộc trao đổi với Tổng thống Putin diễn ra “dễ chịu” và vẫn đang tiếp tục, nhằm tìm kiếm một giải pháp cho cuộc xung đột.
Ông Trump cảnh báo trừng phạt kinh tế mới với Nga nếu không đạt thỏa thuận trong 50 ngày
Bên cạnh các biện pháp quân sự, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ tăng cường áp lực kinh tế lên Nga nếu không có tiến triển trong đàm phán về Ukraine trong vòng 50 ngày tới. Ông đề xuất áp thuế nhập khẩu 100% đối với hàng hóa từ Nga và các đối tác thương mại của nước này, và không loại trừ các mức thuế cao hơn, dù cho rằng mức thuế 500% là không thực tế.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định tác động của thuế quan sẽ hạn chế do kim ngạch thương mại song phương chỉ đạt khoảng 3,5 tỷ USD trong năm 2024 - mức thấp nhất kể từ năm 1992. Thị trường tài chính Nga phản ứng bình tĩnh: chỉ số chứng khoán tăng nhẹ 3%, đồng Rúp ổn định so với USD và tăng giá so với Nhân dân tệ.
Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt tài chính hoặc trừng phạt thứ cấp - áp dụng cho các quốc gia và công ty bên thứ ba có quan hệ với Nga - có thể gây ảnh hưởng mạnh hơn, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát nội địa Nga đã gần 9,5%. Việc tăng giá sẽ buộc Nga duy trì lãi suất cao, hạn chế dư địa cho chính sách tiền tệ nới lỏng và tăng trưởng kinh tế.
Mỹ hiện nhập khẩu một số mặt hàng từ Nga như phân bón, kim loại, uranium, và từng phụ thuộc vào Nga về titan và động cơ tàu vũ trụ. Ngược lại, Nga từng nhập thiết bị y tế, máy móc, và công nghệ cao từ Mỹ. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng thiết yếu hiện được Nga sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu thông qua các quốc gia không chịu lệnh trừng phạt của Mỹ.
Theo các chuyên gia, các biện pháp mới nếu được triển khai sẽ chủ yếu ảnh hưởng đến doanh nghiệp xuất khẩu lớn, chứ không tác động nhiều đến tiêu dùng hàng ngày. Thậm chí, các mức thuế cao có thể gây thiệt hại cho người tiêu dùng Mỹ - điều đã từng xảy ra trong các cuộc chiến thương mại trước đây. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng tuyên bố của ông Trump hiện mang tính cảnh báo hơn là kế hoạch trừng phạt cụ thể.
Tuyên bố của Tổng thống Trump và ảnh hưởng đến đàm phán Nga-Ukraine
Những phát biểu gần đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc áp đặt trừng phạt kinh tế và quân sự với Nga nếu không có tiến triển trong vòng 50 ngày đã làm dấy lên nhiều đánh giá trái chiều về tác động tới tiến trình đàm phán giữa Moscow và Kiev.
.png)
Phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Konstantin Kosachev cho rằng những phát biểu này khó có thể làm thay đổi lập trường của Moscow. Trong khi đó, Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do Leonid Slutsky cho rằng nếu Tổng thống Trump thực sự muốn thúc đẩy hòa bình, thì áp lực nên nhắm vào chính quyền Ukraine, chứ không phải Nga, vì Moscow đã sẵn sàng đàm phán và đang chờ vòng đối thoại tiếp theo tại Istanbul.
Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định việc Tổng thống Trump đe dọa trừng phạt có thể làm giảm động lực đàm phán của Nga. Ông Trump muốn đạt kết quả nhanh, và nếu điều đó không khả thi, ông có thể từ bỏ hoàn toàn phương án đàm phán.
Tổng Thư ký NATO Mark Rutte cũng đề cập đến những nỗ lực thuyết phục Ukraine tham gia các cuộc đối thoại trước đây, trong đó có hai vòng đàm phán tại Istanbul vào tháng 5 và tháng 6. Tuy vậy, phía Nga cho biết chưa nhận được đề xuất cụ thể nào từ Kiev cho vòng đàm phán thứ ba.
Một số chuyên gia cho rằng Tổng thống Trump đang cố gắng cân bằng giữa phe cứng rắn trong chính giới Mỹ và các bên ôn hòa hơn, sử dụng các tuyên bố mạnh để tạo áp lực chính trị nhưng chưa thực sự có hành động cụ thể. Theo phân tích của Yegor Toropov, Trường Đại học Kinh tế Cao cấp Moscow, mục tiêu chính của ông Trump là đẩy nhanh tiến trình đối thoại hơn là kích động đối đầu trực tiếp.
Dù Quốc hội Mỹ đang xem xét các gói trừng phạt mới, Tổng thống Donald Trump vẫn có khả năng phủ quyết hoặc làm chậm lại quá trình thực thi, đặc biệt nếu ông tiếp tục theo đuổi chiến lược “áp lực mềm” để đạt được thỏa thuận theo cách riêng của mình.