Hơn 6 triệu người ở Jakarta mắc bệnh hô hấp do ô nhiễm không khí nghiêm trọng
(CLO) Thủ đô Jakarta của Indonesia đang đối mặt với khủng hoảng sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng khi hơn 6 triệu người được ghi nhận mắc các bệnh về đường hô hấp do ô nhiễm không khí vượt ngưỡng an toàn.
Phát biểu trước báo giới ngày 17/7, Bộ trưởng Môi trường Indonesia Hanif Faisol Nurofiq cho biết: “Nguồn ô nhiễm chính ở Jakarta là khí thải công nghiệp và xe container”.
Theo dữ liệu từ Bộ Môi trường và các nền tảng giám sát như IQAir, mức độ bụi mịn (PM2.5) và ozon mặt đất (O₃) tại các quận phía bắc Jakarta đã tăng lên mức nguy hiểm.
Chính quyền Jakarta ước tính có ít nhất khoảng 6.800 ống khói công nghiệp đang hoạt động tại các khu vực đô thị. Các ngành công nghiệp luyện kim, nấu chảy quặng và đốt ngoài trời được xác định là những tác nhân góp phần lớn vào tình trạng ô nhiễm.
“Chúng tôi đã bắt đầu các biện pháp trấn áp mạnh tay đối với hoạt động đốt ngoài trời, đặc biệt trong lĩnh vực luyện kim”, ông Hanif nói.

Theo dữ liệu sơ bộ từ cơ quan y tế địa phương, hơn 6 triệu cư dân thủ đô đã phát triển các triệu chứng về đường hô hấp, bao gồm các bệnh nhiễm trùng cấp tính, một trong những nguyên nhân có thể làm trầm trọng thêm ở những bệnh nhân có bệnh nền.
Nghiên cứu công bố năm 2023 bởi Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ chỉ ra rằng ô nhiễm không khí ở Jakarta là nguyên nhân gây ra gánh nặng y tế đáng kể.
Hàng năm, thành phố này ghi nhận khoảng 7.000 ca bệnh liên quan đến hô hấp ở trẻ em, hơn 10.000 ca tử vong sớm và khoảng 5.000 ca nhập viện có thể được quy trực tiếp cho chất lượng không khí kém, chủ yếu do PM2.5 và ozon mặt đất.