Sudan, nơi trẻ em phải đối mặt nguy cơ dịch bệnh cao nhất thế giới
(CLO) Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo Sudan hiện là quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất, trong bối cảnh chiến tranh khiến hệ thống y tế sụp đổ và nỗ lực tiêm chủng toàn cầu đình trệ.
Trẻ em ở Sudan đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng nhất hiện nay. Cùng với sự leo thang của bạo lực, tỷ lệ tiêm chủng sụt giảm khiến trẻ em nước này ngày càng dễ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Năm 2022, hơn 90% trẻ em Sudan được tiêm chủng định kỳ. Tuy nhiên, theo WHO, tỷ lệ này đã giảm xuống chỉ còn 48% – mức thấp nhất trên thế giới. Tổ chức cảnh báo hiện vẫn còn hơn 14 triệu trẻ sơ sinh trên toàn cầu chưa được tiêm chủng.

Nội chiến ở Sudan bùng phát hai năm trước, khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người khác phải sơ tán. Ủy ban Cứu trợ Quốc tế gọi đây là “cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất từng được ghi nhận”.
Trong năm ngoái, khoảng 838.000 trẻ em Sudan không được tiêm một liều vắc xin nào - cao thứ ba toàn cầu, chỉ sau Nigeria (2,1 triệu) và Ấn Độ (909.000).
Tỷ lệ trẻ em được tiêm mũi DTP-1 – liều đầu tiên ngừa bạch hầu, uốn ván và ho gà – là một chỉ số quan trọng về khả năng tiếp cận dịch vụ y tế thiết yếu. “Nếu một đứa trẻ không được tiêm, có nghĩa là nó và có thể cả cha mẹ gần như không hề tiếp xúc với hệ thống y tế”, Giám đốc Y tế của UNICEF Sudan nói.
Các cuộc xung đột đã khiến hệ thống y tế Sudan bị tê liệt. Người dân buộc phải di dời, bệnh viện, cơ sở vật tư và hệ thống thông tin y tế đều bị phá hủy.
Các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc xin, bao gồm sởi, không chỉ gây tử vong mà còn để lại biến chứng lâu dài.
Theo WHO, xung đột và bất ổn chính trị tại 26 quốc gia đang khiến trẻ em ở đây có nguy cơ không được tiêm chủng cao gấp ba lần so với những nơi ổn định. Trong khi đó, các quốc gia khác cũng đang chứng kiến tiến độ tiêm chủng đình trệ, một phần do thông tin sai lệch, tâm lý e ngại và cắt giảm ngân sách viện trợ.
Tại Sudan, các nỗ lực nhân đạo đã phần nào cải thiện tình hình trong nửa đầu năm, nhưng UNICEF cho biết lời kêu gọi tài trợ khẩn cấp vẫn chưa được đáp ứng.
Giám đốc Bộ phận Tiêm chủng của WHO nhấn mạnh: “Ngay cả những đợt sụt giảm nhỏ trong tỷ lệ tiêm chủng cũng có thể dẫn đến các đợt bùng phát dịch bệnh chết người, gây thêm gánh nặng cho hệ thống y tế vốn đã quá tải”.