Thành lập Ủy ban Quốc gia APEC 2027: Chuẩn bị toàn diện cho sự kiện đối ngoại lớn nhất khu vực
(CLO) Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký các quyết định quan trọng liên quan đến công tác tổ chức Năm APEC 2027 tại Việt Nam.
Theo đó, Ủy ban Quốc gia APEC 2027 chính thức được thành lập theo Quyết định số 1507/QĐ-TTg nhằm giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều phối toàn diện công tác chuẩn bị và tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn được phân công làm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2027. Các Phó Chủ tịch gồm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng (Phó Chủ tịch Thường trực) và Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân.
Ủy ban Quốc gia gồm nhiều lãnh đạo cấp cao của các bộ, ngành, địa phương, trong đó có Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Công an Trung tướng Phạm Thế Tùng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Sỹ Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng, cùng đại diện của các cơ quan như Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Thanh tra Chính phủ, VCCI...
Chủ tịch Ủy ban Quốc gia có quyền quyết định bổ sung, điều chỉnh thành viên theo yêu cầu thực tiễn và tính chất công việc. Ủy ban có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc, điều phối các tiểu ban chuyên môn, Ban Thư ký và các cơ quan liên quan để chuẩn bị và tổ chức thành công Năm APEC 2027.
Tổ chức bộ máy bài bản, vận hành linh hoạt
Ủy ban Quốc gia APEC 2027 được tổ chức thành 5 Tiểu ban chuyên trách và 1 Ban Thư ký thường trực:
Tiểu ban Nội dung do lãnh đạo Bộ Ngoại giao và Bộ Công Thương đồng chủ trì, phụ trách các nội dung nghị sự, phối hợp với nhiều bộ, ngành chủ chốt.
Tiểu ban Vật chất và Hậu cần do Văn phòng Chính phủ chủ trì, chịu trách nhiệm bảo đảm cơ sở vật chất, hậu cần phục vụ các hoạt động APEC.
Tiểu ban An ninh và Y tế do Bộ Công an chủ trì, tập trung vào công tác bảo vệ, y tế trong suốt quá trình diễn ra sự kiện.
Tiểu ban Tuyên truyền và Văn hóa do Bộ Ngoại giao chủ trì, phụ trách truyền thông, quảng bá hình ảnh quốc gia, phối hợp với các cơ quan truyền thông và địa phương.
Tiểu ban Lễ tân do Bộ Ngoại giao chủ trì, đảm nhiệm việc tổ chức các hoạt động đón tiếp, nghi lễ đối ngoại cấp cao.
Ban Thư ký APEC 2027 là cơ quan thường trực, do Bộ Ngoại giao chủ trì, có sự tham gia của Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Công an. Ban này trực tiếp giúp Chủ tịch Ủy ban điều hành, giám sát và tổng hợp công việc giữa các Tiểu ban, bảo đảm vận hành hiệu quả toàn bộ cơ cấu chuẩn bị sự kiện.

Ban hành Quy chế hoạt động: Bảo đảm phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả
Cùng với việc thành lập Ủy ban Quốc gia, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quy chế hoạt động theo Quyết định số 1508/QĐ-TTg. Quy chế này quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Ủy viên, Trưởng Tiểu ban và Ban Thư ký; đồng thời thiết lập cơ chế phối hợp thông tin và làm việc trong toàn bộ hệ thống.
Theo quy chế, Ủy ban Quốc gia họp định kỳ mỗi quý một lần. Khi cần thiết, Chủ tịch có thể triệu tập họp đột xuất. Riêng trong năm 2027, đặc biệt giai đoạn diễn ra Tuần lễ cấp cao APEC, Ủy ban có thể họp thường xuyên để xử lý công việc khẩn trương, kịp thời.
Các kết luận của Chủ tịch Ủy ban tại các cuộc họp sẽ được Văn phòng Chính phủ và Ban Thư ký APEC 2027 tổng hợp, thông báo tới các Ủy viên, Tiểu ban và cơ quan liên quan để triển khai thực hiện.
Đáng chú ý, các Tiểu ban và Ban Thư ký hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm, được phép sử dụng bộ máy, phương tiện của đơn vị mình để phục vụ yêu cầu nhiệm vụ chung. Việc thông tin, báo cáo định kỳ được duy trì xuyên suốt từ cấp Tiểu ban đến lãnh đạo Ủy ban Quốc gia và Ban Thư ký, nhằm bảo đảm sự thống nhất trong điều phối công việc.
Phú Quốc – Tâm điểm Năm APEC 2027
Năm APEC 2027 được tổ chức tại đặc khu Phú Quốc, tỉnh An Giang, với chủ đề “Kết nối, xây dựng các nền kinh tế bao trùm và tự cường”.
Đây là dịp để Việt Nam khẳng định vai trò chủ động, tích cực trong hội nhập khu vực; đồng thời mở ra cơ hội lớn để quảng bá hình ảnh đất nước, phát triển ngoại giao kinh tế và nâng tầm vị thế quốc gia trên trường quốc tế.
Việc chuẩn bị kỹ lưỡng cả về nội dung, tổ chức và điều phối sẽ đóng vai trò then chốt bảo đảm thành công cho sự kiện đối ngoại lớn nhất khu vực này.
Với bộ máy tổ chức được kiện toàn và phân công rõ ràng, Ủy ban Quốc gia APEC 2027 đang khởi động một tiến trình chuẩn bị bài bản, thể hiện quyết tâm cao của Việt Nam trong vai trò nước chủ nhà APEC lần thứ hai.