Chính phủ siết chặt quy trình ban hành quyết định của Chủ tịch UBND cấp tỉnh
(CLO) Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 187/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 78/2025/NĐ-CP và Nghị định 79/2025/NĐ-CP, nhằm hoàn thiện khung pháp lý về ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt siết chặt quy trình xây dựng, ban hành quyết định của Chủ tịch UBND cấp tỉnh.
Một điểm mới quan trọng của Nghị định 187/2025/NĐ-CP là bổ sung một mục riêng về xây dựng, ban hành quyết định của UBND cấp tỉnh sau Mục 3 tại Nghị định 78. Trong đó, đáng chú ý là việc bổ sung Điều 51a quy định rõ quy trình soạn thảo quyết định của Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Theo đó, Chủ tịch UBND cấp tỉnh sẽ phân công hoặc căn cứ đăng ký của cơ quan chuyên môn, cơ quan công an, quân sự hoặc cơ quan trực thuộc UBND tỉnh, giao một cơ quan chủ trì soạn thảo quyết định. Cơ quan được giao chủ trì có trách nhiệm đánh giá việc thi hành pháp luật tại địa phương, xác định nội dung phân cấp và biện pháp chỉ đạo điều hành của UBND, tổ chức việc soạn thảo, đăng tải hồ sơ dự thảo trên cổng thông tin điện tử tỉnh/thành phố trong thời gian ít nhất 10 ngày để lấy ý kiến góp ý.
Đồng thời, cơ quan chủ trì phải lấy ý kiến từ các đối tượng chịu tác động trực tiếp và các cơ quan có liên quan, trong đó bắt buộc có ý kiến của Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, Sở Khoa học và Công nghệ. Ý kiến góp ý cần được tiếp thu, giải trình đầy đủ trước khi hoàn thiện hồ sơ dự thảo.
Các cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm trả lời góp ý bằng văn bản trong thời hạn 7 ngày kể từ khi nhận được yêu cầu, riêng đối với các quyết định theo trình tự rút gọn là 3 ngày. Nội dung góp ý phải rõ ràng: Sở Tài chính chịu trách nhiệm về nguồn lực tài chính; Sở Nội vụ đánh giá phân cấp và nhân lực thực hiện; Sở Tư pháp đánh giá tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất pháp luật; Sở Khoa học và Công nghệ góp ý về đổi mới sáng tạo, công nghệ và chuyển đổi số.
Hồ sơ dự thảo để lấy ý kiến bao gồm: tờ trình, dự thảo quyết định, bản đánh giá về thủ tục hành chính, phân cấp, đổi mới sáng tạo và các yếu tố công nghệ nếu có.

Siết quy trình thẩm định – tăng trách nhiệm, rút ngắn thời gian
Điều 51b quy định quy trình thẩm định dự thảo quyết định trước khi trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Cơ quan chủ trì soạn thảo phải gửi hồ sơ bằng bản điện tử kèm một bản giấy, có đầy đủ dấu giáp lai hoặc dấu treo theo quy định. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Sở Tư pháp có tối đa 3 ngày để yêu cầu bổ sung, hoàn thiện nếu phát hiện thiếu sót.
Sở Tư pháp có thời hạn 15 ngày để thực hiện thẩm định kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Cơ quan này có thể tự thẩm định hoặc tổ chức hội đồng thẩm định, họp thẩm định hoặc lấy ý kiến bằng văn bản. Khi tổ chức hội đồng hoặc họp thẩm định, phải mời đại diện các sở liên quan và chuyên gia (nếu có). Trong trường hợp cần thẩm định gấp theo yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh, Sở Tư pháp sẽ tập trung vào các nội dung then chốt như nội dung dự thảo, tính hợp pháp, nguồn lực tài chính và đổi mới sáng tạo.
Thành viên hội đồng thẩm định hoặc người được cử tham dự họp phải có ý kiến rõ ràng về việc dự thảo đủ điều kiện trình hay chưa, đồng thời chịu trách nhiệm về nội dung trong phạm vi quản lý ngành, lĩnh vực của mình. Nếu không thể tham dự họp, người được mời phải gửi ý kiến bằng văn bản trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày tổ chức họp. Quá thời hạn mà không có phản hồi được xem là đồng ý với dự thảo.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, hội đồng thẩm định sẽ tự giải thể.
Tăng tính minh bạch trong hoạt động ban hành văn bản địa phương
Ngoài các nội dung trên, Nghị định 187/2025/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến xây dựng, ban hành Nghị quyết của HĐND cấp xã và quyết định của UBND cấp xã nhằm bảo đảm thống nhất, minh bạch và nâng cao chất lượng văn bản pháp luật ở cấp cơ sở.
Nghị định này tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao trách nhiệm giải trình, kiểm soát chặt chẽ quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương – nhất là đối với các quyết định hành chính có tác động trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp.