Thế giới 24h

‏Nghiên cứu: Béo phì liên quan chủ yếu đến chế độ ăn hơn là vận động‏

An Dương (Theo Earth) 18/07/2025 08:35

‏(CLO) Một nghiên cứu quốc tế vừa công bố nguyên nhân cốt lõi của béo phì hiện đại nằm ở chế độ ăn uống - đặc biệt là việc tiêu thụ quá nhiều calo và thực phẩm siêu chế biến, chứ không phải do con người ngày nay vận động ít hơn so với thế hệ trước.‏

‏Béo phì gần như không xuất hiện trong các cộng đồng săn bắt - hái lượm ở Tanzania hay nông dân du mục ở Bolivia, nhưng lại phổ biến ở các quốc gia phát triển.

Lý do phổ biến được đưa ra là người dân ở các nước phát triển ít vận động hơn. Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây cho thấy những người sống ở quốc gia phát triển tiêu hao tổng số calo mỗi ngày tương đương với những người sống trong môi trường đòi hỏi thể lực cao.

Theo giáo sư Herman Pontzer, chuyên gia nhân học tiến hóa và y tế toàn cầu tại Đại học Duke, khi mức độ vận động tăng lên, cơ thể con người có xu hướng cắt giảm tiêu hao ở các chức năng khác như tăng trưởng hay miễn dịch để giữ tổng năng lượng tiêu thụ trong một phạm vi ổn định.

Mô hình này, được gọi là “năng lượng tiêu hao tổng bị giới hạn”, cho thấy việc gia tăng vận động không đồng nghĩa với việc đốt cháy thêm nhiều calo trong dài hạn.‏

814-202507171057331.png
‏ ‏‏Ảnh: Unsplash/‏‏Towfiqubarbhuiya.‏

‏Ngược lại, khi so sánh lượng calo nạp vào cơ thể, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng việc ăn quá nhiều chính là yếu tố chủ yếu gây nên béo phì. Nhóm nghiên cứu ước tính mức năng lượng tiêu thụ gia tăng do ăn uống chiếm đến 90% nguyên nhân của khủng hoảng béo phì, trong khi sự sụt giảm tiêu hao năng lượng chỉ đóng vai trò rất nhỏ. ‏

‏Ngoài ra, chất lượng thực phẩm cũng đóng vai trò đáng kể. Trong nhóm người có dữ liệu về khẩu phần ăn, việc tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến có mối tương quan mạnh với tỷ lệ mỡ cơ thể cao hơn. Những thực phẩm này bao gồm đồ ăn vặt đóng gói, ngũ cốc ăn liền có đường, thịt chế biến và các bữa ăn tiện lợi, có giá thấp và bảo quản trong thời gian dài.‏

‏Giáo sư Barry Popkin, nhà nghiên cứu dinh dưỡng tại Đại học North Carolina, nhận định đây là một nghiên cứu rất đáng tin cậy và củng cố quan điểm chế độ ăn uống là thủ phạm chính của béo phì. Cùng quan điểm, giáo sư Dariush Mozaffarian tại Đại học Tufts cho biết thay đổi trong thực phẩm, chứ không phải vận động, mới là yếu tố dẫn đầu trong xu hướng gia tăng béo phì hiện nay.‏

Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn khẳng định vận động đóng vai trò thiết yếu đối với sức khỏe tổng thể. Theo Pontzer, tập luyện đều đặn mang lại nhiều lợi ích như cải thiện tim mạch, tâm trạng, kiểm soát đường huyết và tăng tuổi thọ.

Dù vậy, để giảm nỗi lo béo phì hiệu quả, các chính sách y tế và tư vấn dinh dưỡng cần tập trung vào thói quen ăn uống của con người, thay vì chỉ nhấn mạnh vận động.‏

An Dương (Theo Earth)