Thế giới 24h

Tàu chiến đổ bộ thế hệ mới của Trung Quốc: Sự kết hợp giữa tàu sân bay và căn cứ UAV

Ngọc Ánh (theo Weapons Engineering Technology, SCMP, Modern Ships) 18/07/2025 08:45

(CLO) Tàu chiến đổ bộ mới nhất của Trung Quốc được thiết kế để có khả năng phóng máy bay chiến đấu và UAV cánh cố định, hứa hẹn thay đổi cách nước này triển khai hỏa lực từ biển vào đất liền.

Tàu Tứ Xuyên, chiếc Type 076 đầu tiên của Trung Quốc, chính thức được hạ thủy vào tháng 12/2024 và đang trong giai đoạn thử nghiệm. Con tàu dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động trong Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) vào cuối năm 2026.

untitled(4).png
Tàu tấn công đổ bộ Type 076 thế hệ mới đầu tiên của Trung Quốc, Tứ Xuyên, tại một xưởng đóng tàu ở Thượng Hải vào tháng 12 năm ngoái. Ảnh: Tân Hoa Xã

Tàu sân bay nhẹ nhưng sức mạnh đáng gờm

Type 076 sở hữu boong phẳng với kích thước lớn chưa từng có trong số các tàu tấn công đổ bộ của Trung Quốc. Thân tàu dài khoảng 260 mét, boong rộng 52 mét, lượng choán nước trên 40.000 tấn – tương đương một nửa so với tàu sân bay Phúc Kiến và lớn hơn một chút so với Type 075.

Điểm nổi bật nhất của Type 076 là hệ thống phóng máy bay điện từ (EMALS) – công nghệ từng chỉ có ở Mỹ và mới được Trung Quốc tích hợp trên tàu Phúc Kiến. Đây là lần đầu tiên EMALS được lắp trên một tàu đổ bộ, cho phép phóng liên tục các loại máy bay từ máy bay chiến đấu nặng trên 30 tấn đến UAV cỡ nhỏ chỉ vài trăm kg.

Theo tạp chí Weapons Engineering Technology, máy phóng này nhỏ gọn hơn và tiết kiệm đến 35% nhân lực vận hành, có thể điều chỉnh tốc độ phóng từ 100–370 km/h.

Ngoài khả năng phóng máy bay, tàu còn có sàn đáp ngập nước ở phía đuôi để hạ thủy tàu đổ bộ và hai đảo chỉ huy tách biệt – một cho điều khiển tàu, một cho kiểm soát không lưu và phòng thủ.

untitled(5).png
Tàu Tứ Xuyên đã được hạ thủy tại Thượng Hải vào tháng 12 năm ngoái. Ảnh: Tân Hoa Xã

“Sân bay” cho UAV và máy bay chiến đấu không người lái

Type 076 được coi là chiếc tàu sân bay UAV đầu tiên của Trung Quốc, khi thiết kế ban đầu đã tích hợp khả năng triển khai và thu hồi UAV.

Một loại UAV được kỳ vọng sẽ hoạt động từ tàu này là GJ-11, máy bay không người lái tàng hình do Tập đoàn Hongdu sản xuất, được thiết kế cho nhiệm vụ tấn công chính xác và trinh sát. GJ-11 có cánh bay không đuôi, hai khoang vũ khí và được gọi là “cánh phụ trung thành” cho các tiêm kích có người lái như J-15T hoặc J-35B.

Thiết kế boong mở trên Type 076 cũng làm dấy lên suy đoán rằng tàu có thể triển khai cùng lúc hàng loạt UAV nhỏ – điều mà các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đang thử nghiệm trên tàu chiến của mình.

untitled(6).png
Máy bay không người lái tàng hình trinh sát vũ trang GJ-11 được trưng bày trong một cuộc diễu hành quân sự. Ảnh: Tư liệu

Xu thế “tàu sân bay không người lái” toàn cầu

Trung Quốc không phải nước duy nhất theo đuổi ý tưởng kết hợp giữa tàu tấn công đổ bộ và nền tảng triển khai UAV. Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia tiên phong trong lĩnh vực này. Năm 2023, họ đã đưa vào hoạt động tàu TCG Anadolu – một tàu tấn công đổ bộ được thiết kế để phóng UAV chiến đấu.

Tại Trung Đông, Iran cũng phát triển theo hướng tương tự khi cải hoán một tàu container thành tàu sân bay không người lái Shahid Beheshti, trang bị hệ thống nhảy cầu để hỗ trợ cất cánh cho UAV.

Trong khi đó, Hàn Quốc gần đây công bố thiết kế một loại tàu sân bay không người lái thế hệ mới, không còn sử dụng đảo chỉ huy truyền thống như các tàu sân bay trước đây.

Vũ khí và năng lực phòng thủ

Theo tạp chí Modern Ships, Type 076 sẽ được trang bị 3 hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn HQ-10 nhằm đánh chặn các mục tiêu bay thấp và tên lửa hành trình.

Bên cạnh đó, ít nhất 2 pháo phòng thủ cực nhanh Type 1130 Gatling sẽ được lắp đặt để đối phó với các mối đe dọa tiếp cận gần như tên lửa chống hạm hay UAV cảm tử.

Đáng chú ý, tàu có khoang chứa máy bay dưới sàn đáp và hai thang máy đặt đối xứng ở hai bên thân tàu, giúp vận chuyển UAV và thiết bị nhanh chóng giữa các tầng.

Dữ liệu từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết Type 076 có thể sở hữu đường băng máy phóng dài 130 mét. Giới phân tích cho rằng con tàu nhiều khả năng được trang bị hai máy phóng riêng biệt, cho phép tăng tốc độ cất cánh và vận hành đồng thời nhiều UAV – yếu tố then chốt trong tác chiến hiện đại.

Ngọc Ánh (theo Weapons Engineering Technology, SCMP, Modern Ships)