Thị trường - Doanh nghiệp

Giá lúa gạo hôm nay 18/7: Giao dịch trầm lắng, gạo nguyên liệu OM 380 giảm nhẹ

Quốc Duẩn 18/07/2025 10:17

Giá lúa gạo hôm nay 18/7 chững lại, gạo OM 380 giảm 50 đồng/kg, giao dịch trầm lắng, Bangladesh đẩy mạnh nhập khẩu tạo cơ hội xuất khẩu.

Giá lúa gạo hôm nay 18/7: Giao dịch trầm lắng

Theo khảo sát sáng nay (18/7), thị trường lúa gạo trong nước tiếp tục duy trì trạng thái ổn định. Riêng giá gạo nguyên liệu OM 380 ghi nhận mức giảm nhẹ 50 đồng/kg, trong bối cảnh lượng hàng về hạn chế, giao dịch mua bán diễn ra cầm chừng.

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, mặt bằng giá lúa hôm nay ít biến động. Giá lúa OM 18 (tươi) được thu mua quanh mức 6.000 – 6.200 đồng/kg. Lúa OM 5451 (tươi) dao động từ 5.900 – 6.000 đồng/kg. Lúa IR 50404 (tươi) ổn định ở mức 5.700 – 5.800 đồng/kg. Trong khi đó, lúa Nàng Hoa 9 và Đài Thơm 8 giữ giá quanh ngưỡng 6.000 – 6.200 đồng/kg. Lúa OM 308 (tươi) phổ biến ở mức 5.700 – 5.900 đồng/kg.

Giao dịch tại các tỉnh như An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng hay Long An nhìn chung chậm, nhu cầu mua từ thương lái không cao. Một số địa phương ghi nhận lượng lúa về nhỏ giọt, giá cả giữ mức ổn định so với hôm qua.

Đối với mặt hàng gạo, thị trường ghi nhận mức giá điều chỉnh nhẹ ở một số chủng loại. Gạo nguyên liệu OM 380 hiện được thu mua ở mức 7.700 – 7.800 đồng/kg, giảm 50 đồng/kg. Gạo CL 555 có giá từ 8.250 – 8.350 đồng/kg. Gạo OM 18 giữ giá quanh mốc 9.600 – 9.700 đồng/kg. Gạo IR 504 dao động từ 7.600 – 7.700 đồng/kg, trong khi gạo 5451 ghi nhận giá khoảng 9.100 – 9.150 đồng/kg. Gạo thành phẩm OM 380 hiện có giá 8.800 – 9.000 đồng/kg, gạo thành phẩm IR 504 phổ biến ở mức 9.500 – 9.700 đồng/kg.

Giá lúa gạo hôm nay (17-9): giá gạo tăng 50 - 200 đồng kg
Giá lúa gạo hôm nay 18/7: Giao dịch trầm lắng, gạo nguyên liệu OM 380 giảm nhẹ

Giá các mặt hàng phụ phẩm cũng duy trì ổn định. Tấm thơm IR504 giao dịch trong khoảng 7.000 – 7.300 đồng/kg, còn cám xay dao động từ 8.000 – 9.000 đồng/kg, không thay đổi so với phiên giao dịch trước.

Tại các khu vực như Sa Đéc, Lấp Vò (Đồng Tháp) và An Giang, lượng hàng gạo về khá thấp, song hoạt động mua bán vẫn duy trì đều. Nhiều kho hàng tiếp tục thu mua gạo thơm dẻo phục vụ cho thị trường nội địa và xuất khẩu.

Trên thị trường bán lẻ, giá gạo tiêu dùng hôm nay giữ xu hướng đi ngang. Gạo Nàng Nhen tiếp tục là mặt hàng có giá cao nhất ở mức 28.000 đồng/kg. Gạo Hương Lài được niêm yết ở mức 22.000 đồng/kg. Gạo Jasmine phổ biến từ 16.000 – 18.000 đồng/kg. Các loại gạo thơm Thái hạt dài dao động 20.000 – 22.000 đồng/kg. Gạo trắng thông dụng giữ giá 16.000 đồng/kg. Gạo Sóc Thái và gạo Nhật cùng ghi nhận ở mức 20.000 – 22.000 đồng/kg.

Thị trường lúa gạo hôm nay nhìn chung trầm lắng. Trong bối cảnh nhu cầu chưa có dấu hiệu tăng mạnh, người dân và doanh nghiệp cần theo sát diễn biến thị trường để chủ động trong sản xuất, thu mua và xuất khẩu.

Bangladesh đẩy mạnh nhập khẩu gạo, tạo cơ hội cho xuất khẩu gạo Việt Nam

Chính phủ Bangladesh vừa thông qua kế hoạch nhập khẩu 400.000 tấn gạo nhằm ổn định giá trong nước và tăng cường nguồn dự trữ quốc gia, trong bối cảnh lo ngại sản lượng giảm do thời tiết cực đoan. Cùng lúc, khu vực tư nhân nước này cũng được phép nhập thêm 500.000 tấn gạo để chủ động đối phó với rủi ro thiên tai, đặc biệt là lũ lụt –mối đe dọa thường trực trong mùa mưa bão.

Quyết định được đưa ra sau cuộc họp của Ủy ban Kế hoạch và Giám sát Thực phẩm Bangladesh (FPMC), diễn ra ngay sau khi nước này hoàn tất vụ lúa Boro. Giới chức Bangladesh lo ngại rằng, nếu các đợt mưa lũ lớn tiếp diễn, sản lượng từ các vụ chính như Aus và Aman sẽ tiếp tục giảm như năm ngoái.

Hiện tại, lượng gạo dự trữ quốc gia của Bangladesh đạt khoảng 1,553 triệu tấn, trong khi mục tiêu phân phối trong năm tài khóa là 3,66 triệu tấn. Để đảm bảo an ninh lương thực, từ tháng 8 tới, nước này sẽ triển khai chương trình trợ cấp kéo dài 6 tháng, hỗ trợ 5,5 triệu hộ dân được mua 30 kg gạo/tháng với giá ưu đãi 15 taka/kg (khoảng 3.200 đồng/kg).

Động thái nhập khẩu gạo quy mô lớn dự báo sẽ tác động trực tiếp tới giá gạo quốc tế trong thời gian tới. Điều này không chỉ làm gia tăng cạnh tranh về nguồn cung, mà còn mở ra cơ hội rõ nét cho các quốc gia xuất khẩu, trong đó có Việt Nam – một trong ba nước dẫn đầu về xuất khẩu gạo thế giới.

Quốc Duẩn