Thế giới 24h

Pháp chấm dứt hiện diện quân sự thường trực tại Senegal

Cao Phong (theo CNA, Reuters) 18/07/2025 12:13

(CLO) Ngày 17/7, Pháp đã bàn giao quyền kiểm soát căn cứ quân sự lớn cuối cùng tại Senegal, đánh dấu sự kết thúc của sự hiện diện quân sự lâu dài của nước này tại quốc gia Tây Phi.

Trong một buổi lễ tại thủ đô Dakar của Senegal, Tướng Pascal Ianni, chỉ huy lực lượng Pháp tại châu Phi, đã trao chìa khóa của căn cứ quân sự Camp Geille cho phía Senegal. Buổi lễ có sự tham dự của các quan chức cấp cao hai nước.

Tướng Ianni phát biểu với báo giới: "Việc bàn giao Camp Geille hôm nay đánh dấu một giai đoạn mới trong sự phát triển của quan hệ hợp tác giữa lực lượng vũ trang hai nước. Đây là đáp ứng mong muốn của chính quyền Senegal về việc không còn sự hiện diện của các lực lượng nước ngoài thường trực trên lãnh thổ của họ".

Tổng thống Senegal Bassirou Diomaye Faye vào năm 2024 đã tuyên bố rằng các căn cứ quân sự của Pháp không phù hợp với chủ quyền quốc gia của Senegal và phải được chuyển giao. Hai nước đã đồng ý hoàn tất quá trình này trước cuối năm 2025. Quá trình rút quân bắt đầu từ tháng 3/2025, khi Pháp bàn giao hai cơ sở quân sự khác tại Dakar, bao gồm căn cứ Maréchal và Saint-Exupéry.

Screenshot 2025-07-18 at 10.16.22
Đại diện của Pháp trao chìa khóa cho phía Senegal. Ảnh chụp màn hình.

So với việc rút quân khỏi Mali, Burkina Faso và Niger – nơi các chính quyền quân sự đã trục xuất quân đội Pháp – quá trình này tại Senegal diễn ra trong không khí thân thiện hơn.

Với sự hiện diện quân sự giảm đáng kể ở Tây và Trung Phi, Pháp cho biết sẽ tập trung vào đào tạo, chia sẻ thông tin tình báo và đáp ứng các yêu cầu hỗ trợ từ các quốc gia trong khu vực.

Tướng Ianni cho biết sự hiện diện quân sự của Pháp tại Senegal đã kéo dài hơn hai thế kỷ, nhưng một sự thay đổi là cần thiết để làm mới mối quan hệ hợp tác. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta phải hành động khác đi, và chúng ta không còn cần các căn cứ thường trực để làm điều này”.

Tướng Mbaye Cisse, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Senegal, cho biết thỏa thuận mới sẽ cho phép Senegal tiếp tục hưởng lợi từ các chương trình đào tạo và trao đổi thông tin. Ông nói: "Chúng tôi chúc tất cả các đồng đội và gia đình họ trở về Pháp an toàn. Tôi hy vọng lịch sử lâu dài gắn kết hai quốc gia sẽ là nền tảng vững chắc cho sự hợp tác".

Pháp, từng là nước cai trị thuộc địa Senegal, đã phải đối mặt với nhiều chỉ trích vì duy trì quân đội tại đây kể từ khi Senegal giành độc lập vào năm 1960. Senegal cũng đã yêu cầu Paris điều tra kỹ lưỡng về vụ thảm sát năm 1944, khi hàng chục binh sĩ châu Phi từng chiến đấu cho Pháp trong Thế chiến II bị giết hại.

Cao Phong (theo CNA, Reuters)