Dịch tả lợn châu Phi lan rộng 20/34 tỉnh, khuyến cáo người chăn nuôi tiêm vắc xin để ngăn chặn dịch bệnh
(CLO) Hiện nay, cả nước có 248 ổ dịch tại 20 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày, số lợn mắc bệnh là 19.699 con, số lợn chết và tiêu hủy là 20.280 con.
Theo Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), dịch tả lợn châu Phi đang có chiều hướng gia tăng, chủ yếu là tái phát các ổ dịch cũ, phát sinh ở loại hình chăn nuôi quy mô nhỏ, tại các hộ gia đình nơi có điều kiện chăn nuôi không đảm bảo an toàn sinh học.
Hiện nay, cả nước có 248 ổ dịch tại 20/34 tỉnh, thành phố, đã tiêu hủy trên 20.280 con lợn. Các điểm nóng về dịch tập trung tại một số tỉnh phía bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Điện Biên, Phú Thọ, Sơn La…
Dịch tả lợn châu Phi có đặc điểm lây lan nhanh ở tất cả các loại lợn, với tỷ lệ chết cao, có thể lên đến 100%, thiệt hại kinh tế là rất lớn. Các bộ, ngành, địa phương đang tức tốc triển khai biện pháp dập dịch. Song công tác này hiện gặp nhiều khó khăn, một trong số đó là tình trạng người dân giấu dịch.

Ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết tình trạng giấu dịch, không báo cáo dịch bệnh đang diễn ra phổ biến với các hình thức bán “chạy”, giết mổ chui, tiêu thụ nội bộ, vứt xác lợn bừa bãi, báo cáo không đúng sự thật, thiếu sự chủ động kiểm tra... Đặc biệt, mặc dù đã có vaccine phòng bệnh hiệu quả cho lợn thịt, nhưng nhiều người nuôi vẫn chủ quan không tiêm phòng cho đàn vật nuôi.
Trong khi đó, theo ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường, hiện tại virus dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện chủng mới với tỉ lệ gây chết ở lợn cao hơn. Phía Bộ đã chỉ đạo Cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với doanh nghiệp và một số nước trên thế giới để cắt gen chủng virus mới này để chủ động chế tạo vaccine.
Để phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh tả lợn Châu Phi, thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 109/CĐ-TTg yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo, huy động lực lượng, các nguồn lực hợp pháp để kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để bùng phát dịch bệnh, hạn chế phát sinh ổ dịch mới; kiên quyết xử lý tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh.
Bên cạnh đó, chủ động triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh theo đúng quy định của pháp luật; ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển lợn bệnh, vứt xác lợn chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. Không để việc sắp xếp tổ chức, bộ máy tại địa phương ảnh hưởng đến công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh.
Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh phòng bệnh cho đàn vật nuôi; tập trung các nguồn lực để tổ chức xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; chủ động khoanh vùng, xử lý dứt điểm các ổ dịch ngay từ khi mới được phát hiện; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, chậm báo cáo làm lây lan dịch bệnh.
Tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm lợn; tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển lợn, sản phẩm lợn trái phép qua biên giới. Tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh động vật; xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, trước pháp luật nếu chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo để xảy ra dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi phát sinh trên diện rộng, gây thiệt hại lớn trên địa bàn quản lý.