Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu trong năm 2026
(CLO) Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2026. Tại dự thảo Nghị quyết này, Bộ Tài chính đề xuất áp mức thuế 2.000 đồng trên mỗi lít xăng, trừ xăng etanol.
Theo dự thảo Nghị quyết, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ được áp dụng từ 1/1/2026 đến hết ngày 31/12/2026. Cụ thể, các loại xăng, trừ xăng etanol sẽ bị áp mức thuế 2.000 đồng/lít; nhiên liệu bay chịu mức thuế 2.000 đồng/lít.
Dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn và mỡ nhờn chịu mức thuế 1.000 đồng/lít, riêng dầu hỏa chịu mức thuế 600 đồng/lít. Như vậy, mức thuế được đề xuất trong dự thảo Nghị quyết lần này tương đương với các năm 2024 và năm 2025 đang áp dụng.

Trong trường hợp đề xuất được nêu trong dự thảo Nghị quyết không được thông qua, thì kể từ 1/1/2026, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ được thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 579/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Biểu thuế bảo vệ môi trường.
Cụ thể, mức thuế bảo vệ môi trường với xăng, trừ etanol là 4.000 đồng/lít; nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít; dầu diesel là 2.000 đồng/lít; dầu hỏa là 1.000 đồng/lít; dầu mazut là 2.000 đồng/lít; dầu nhờn là 2.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 2.000 đồng/kg.
Tại tờ trình về dự thảo Nghị quyết, Bộ Tài chính cho rằng, việc áp dụng mức thuế nêu trên sẽ góp phần đảm bảo thu ngân sách nhà nước (NSNN). Tuy nhiên, điều này cũng có tác động tiêu cực đến nền kinh tế, như làm tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước, gia tăng áp lực lạm phát, từ đó, gây bất lợi cho việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030.
Bộ Tài chính nhấn mạnh: Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp. Việc giá xăng dầu tăng sẽ kéo theo sự tăng giá của nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ khác, tác động trực tiếp làm tăng chỉ số CPI, từ đó ảnh hưởng đến việc kiểm soát lạm phát, tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức như chi phí sản xuất gia tăng, gián đoạn chuỗi cung ứng và áp lực cạnh tranh từ thị trường quốc tế, đặc biệt sau khi Chính phủ Hoa Kỳ ban hành chính sách thuế đối ứng nhằm cơ cấu lại chuỗi cung ứng toàn cầu và kiểm soát cán cân thương mại song phương. Điều này đang tạo ra những tác động tiêu cực đáng kể đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong nước.
“Nhiều doanh nghiệp phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất, thậm chí phải thu hẹp quy mô hoạt động do không đảm bảo hiệu quả kinh tế khi chi phí xuất khẩu tăng cao hoặc phải thay đổi nguồn nguyên liệu, điều chỉnh chuỗi cung ứng để đáp ứng các yêu cầu mới từ phía Hoa Kỳ”, Bộ Tài chính nên.
Do đó, Bộ Tài chính cho rằng, việc ban hành Nghị quyết sẽ góp phần kiểm soát lạm phát, thực hiện mục tiêu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần giảm bớt khó khăn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, góp phần ổn định thị trường xăng dầu trong nước trước bối cảnh tình hình quốc tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường.