Dừa Việt Nam đang trở thành mặt hàng xuất khẩu giá trị cao
(CLO) Mặt hàng dừa tươi vươn lên vị trí thứ 3 trong danh sách các loại trái cây xuất khẩu chủ lực, chỉ sau sầu riêng và thanh long.
Năm 2024, ngành dừa Việt Nam đã ghi dấu ấn lịch sử khi kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa đạt gần 1,1 tỷ USD, tăng hơn 20% so với năm 2023. Đây là lần đầu tiên sau 14 năm, trái dừa mang về kim ngạch tỷ USD, đưa dừa trở thành loại trái cây có giá trị xuất khẩu cao thứ 3 của Việt Nam, chỉ sau sầu riêng và thanh long.
Một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng này là sự kiện Việt Nam và Trung Quốc ký kết nghị định xuất khẩu dừa tươi vào tháng 8/2024.
Bên cạnh đó, thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam không ngừng đầu tư vào công nghệ và sản phẩm mới như dừa nguyên trái, dừa gọt kim cương hay dừa khắc laser đã giúp trái dừa Việt Nam hiện diện tại hơn 40 quốc gia trên toàn cầu.

Ngành dừa Việt Nam hiện đang đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ khi được đưa vào Đề án Phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030. Mục tiêu đề ra là đạt diện tích trồng dừa từ 195.000 đến 210.000 ha, trong đó hơn 30% diện tích được sản xuất theo quy trình GAP. Đặc biệt, ngành dừa không chỉ tập trung vào mục tiêu xuất khẩu mà còn chú trọng phát triển bền vững, đảm bảo sinh kế cho người dân và thúc đẩy nông nghiệp tuần hoàn.
Để giữ vững đà tăng trưởng và cạnh tranh với các quốc gia mạnh về dừa như Thái Lan, Philippines hay Indonesia, ngành dừa Việt Nam vẫn còn nhiều nút thắt cần tháo gỡ.
Theo bà Trần Lệ Hoa - Phó ban Khoa học xã hội, Hiệp hội Dừa Việt Nam, quy mô sản xuất ngành hàng dừa hiện nay còn nhỏ lẻ. Dừa hiện được trồng tại 16 tỉnh, thành phố nhưng chủ yếu dưới hình thức xen canh khiến doanh nghiệp gặp khó trong việc thu mua đồng đều về giống, kích cỡ và chất lượng.
Ngoài ra, việc vận chuyển chủ yếu bằng xe máy và ghe thô sơ làm tăng chi phí logistics, trong khi hệ thống bảo quản sau thu hoạch còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó, phần lớn dừa Việt Nam hiện nay vẫn được sơ chế thủ công. Điều này khiến sản phẩm gặp bất lợi về giá thành và nhận diện thương hiệu trên các thị trường quốc tế.
Để khắc phục những khó khăn này, các chuyên gia cho rằng cần có sự chung tay của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người nông dân. Trước hết, cần xây dựng hành lang pháp lý cho mô hình trồng dừa tập trung, giúp người nông dân dễ dàng tiếp cận tín dụng và tham gia vào chuỗi xuất khẩu chính ngạch.
Các địa phương cần phối hợp với hợp tác xã và doanh nghiệp để xác định giống đầu dòng, phát triển các giống dừa chất lượng và phù hợp với từng vùng sinh thái. Bên cạnh đó, việc kiểm soát quy trình chăm sóc cây trồng và phân bón là yếu tố quan trọng để duy trì chất lượng nước dừa, sản phẩm chủ lực của ngành dừa tươi.
Việc xây dựng thương hiệu vùng cũng là bước đi cần thiết. Mỗi giống dừa cần được định danh rõ ràng và gắn với chỉ dẫn địa lý, thông tin chủ sở hữu giống và mã số vùng trồng. Các hoạt động quảng bá tại hội chợ quốc tế và kết nối với các sàn thương mại điện tử cũng cần được tổ chức bài bản hơn để mở rộng thị trường.
Kim ngạch xuất khẩu trái dừa Việt Nam đạt tỷ USD là tín hiệu đáng mừng, khẳng định tiềm năng phát triển mạnh mẽ của ngành dừa. Với chiến lược phát triển phù hợp, ngành dừa Việt Nam có thể tiếp tục bứt phá, mang lại giá trị kinh tế cao, nâng cao đời sống cho nông dân và góp phần thúc đẩy kinh tế đất nước.