Môi trường

Bão Wipha sắp vào Biển Đông, nguy cơ mưa lớn kéo dài từ ngày 21/7

Quang Hùng 18/07/2025 18:04

(CLO) Bão số 3 – Wipha đang di chuyển nhanh, có khả năng mạnh lên cấp 12, giật cấp 15 khi vào Biển Đông. Từ ngày 21 đến 24/7, hoàn lưu bão dự báo gây mưa rất lớn tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Chiều 18/7, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức cuộc họp khẩn với các bộ, ngành, địa phương về việc chủ động ứng phó với bão số 3 – Wipha, đang hoạt động mạnh trên vùng biển phía Đông đảo Luzon (Philippines).

Theo ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, bão Wipha hình thành từ áp thấp nhiệt đới vào chiều 16/7, đến sáng 18/7 đã mạnh lên cấp 8–9, giật cấp 11. Dự báo sáng 19/7, bão sẽ đi vào Biển Đông và trở thành bão số 3 trong năm nay.

thiên tai_3
Chiều 18/7, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức cuộc họp khẩn với các bộ, ngành, địa phương về việc chủ động ứng phó với bão số 3 – Wipha.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết bão đang nằm trong vùng biển có điều kiện rất thuận lợi để tăng cấp nhanh. Dự báo đến sáng 21/7, bão có thể đạt cường độ mạnh nhất cấp 12, giật cấp 15 khi tiến gần khu vực phía Đông bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Hiện tại, bão Wipha đang di chuyển với tốc độ 30km/h. Theo ông Khiêm, với tốc độ di chuyển nhanh như hiện nay, khả năng bão đổ bộ vào đất liền là rất cao.

Hoàn lưu bão dự kiến gây ra đợt mưa lớn kéo dài từ 21 đến 24/7 tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (từ Quảng Ninh đến Nghệ An). Phân bố mưa sẽ tùy theo hướng di chuyển của bão. Lượng mưa được dự báo từ 200 - 300 mm; một số nơi trên 500 mm.

thiên tai
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia.

Trường hợp bão lệch lên phía Bắc và di chuyển dọc bờ biển Quảng Tây (Trung Quốc), tác động đến Việt Nam có thể giảm. Tuy nhiên, nếu đổ bộ gần hơn, cần đặc biệt cảnh giác với các hiện tượng cực đoan như lốc xoáy, sét, lũ quét và sạt lở đất.

dbqg_xtnd_20250718_1400.gif
Đường đi của bão số 3 – Wipha.

Với hướng đi và tốc độ hiện tại của bão Wipha, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, điều đáng lo ngại nhất là cơn bão này mang nhiều nét tương đồng với bão số 3 hồi tháng 9/2024. Do đó, không được chủ quan mà phải chủ động chuẩn bị ứng phó với một cơn bão mạnh.

Hiện đang là cao điểm mùa du lịch, lúa mùa ở giai đoạn đẻ nhánh, cây có múi đang cho quả, cùng với hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển diễn ra sôi động… nếu bão đổ bộ sẽ gây thiệt hại lớn. Vì vậy, cần xây dựng các phương án ứng phó kỹ lưỡng.

thiên tai_1
So sánh với bão số 3 – Yagi năm 2024, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định Wipha có đường đi tương đồng và nhiều khả năng sẽ mạnh lên khi vào Biển Đông. Dù vậy, ông nhấn mạnh không được chủ quan trong mọi tình huống.

Về công tác phòng tránh, đến 11h ngày 18/7, Bộ đội Biên phòng đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 35.183 phương tiện với 147.336 lao động; trong đó 790 phương tiện/4.160 lao động đang hoạt động tại khu vực Bắc Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa. Hiện không có tàu hoạt động trong vùng nguy hiểm phía Đông Bắc khu vực Bắc Biển Đông.

Đáng chú ý, các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa có hơn 126.000 ha nuôi trồng thủy sản, gần 20.000 lồng bè và gần 3.700 chòi canh đang đối mặt với rủi ro do bão và mưa lũ. Bên cạnh đó, hệ thống đê biển, đê cửa sông tại khu vực này còn tồn tại 20 trọng điểm xung yếu cần theo dõi sát sao.

Tại Bắc Bộ, hơn 649.000 ha lúa mùa đang trong giai đoạn đẻ nhánh – rất dễ bị ảnh hưởng bởi ngập úng, gió mạnh. Các địa phương được yêu cầu rà soát hệ thống tiêu thoát, chủ động xây dựng kịch bản ứng phó theo từng cấp độ rủi ro thiên tai.

Bão Wipha được đánh giá có khả năng tăng cấp nhanh, vùng ảnh hưởng rộng và di chuyển phức tạp. Các tỉnh, thành phố, lực lượng chức năng và người dân cần nghiêm túc theo dõi dự báo, tuyệt đối không chủ quan để hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

thiên tai_2
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì cuộc họp khẩn với các bộ, ngành, địa phương về việc chủ động ứng phó với bão số 3 – Wipha.

Để chủ động ứng phó với bão và mưa lũ, Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị đối với trên biển, các địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Còn trên đất liền, phải tăng cường thông tin về diễn biến của bão, mưa lũ đến các cấp chính quyền, đặc biệt là cấp xã và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó;

Rà soát, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đối với công trình cầu, cảng; các hoạt động du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản trên biển, cửa sông, ven bờ;

Sẵn sàng các biện pháp, chủ động gia cố nhà ở, kho tàng, trụ sở, công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, hệ thống lưới điện, viễn thông trường hợp bão đổ bộ;

Sẵn sàng biện pháp và tranh thủ triều để tiêu nước bảo vệ sản xuất nông nghiệp; chống ngập úng khu đô thị và khu công nghiệp;

Khẩn trương hoàn thành việc sửa chữa, khắc phục những sự cố, hư hỏng của công trình đê điều đã xảy ra trong thời gian vừa qua; kiểm tra, rà soát toàn bộ công trình đê điều, phương án hộ đê trên địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị để chủ động triển khai khi có sự cố, tình huống xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”;

Kiểm tra, chủ động biện pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt các hồ chứa nhỏ, xung yếu, đang thi công; sẵn sàng vận hành điều tiết hồ chứa và đảm bảo an toàn hạ du, nhất là các hồ chứa trên lưu vực sông Hồng (hồ Thác Bà gần đạt mực nước phải điều tiết xả lũ);

Rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; chính quyền cấp xã chỉ đạo lực lượng liên quan thông báo tới từng hộ dân sinh sống tại các khu vực có nguy cơ xảy ra ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét để chủ động phòng tránh, đảm bảo an toàn.

Quang Hùng