'Đặng Thùy Trâm và cuốn nhật ký thứ ba' - Biểu tượng bất diệt của lòng yêu nước và khát vọng cống hiến
(CLO) Cuốn “Đặng Thùy Trâm và cuốn nhật ký thứ ba” là tư liệu quý, khắc họa sâu sắc tâm hồn, lý tưởng và khát vọng cống hiến của nữ bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Đây cũng là kết quả của hành trình gìn giữ đầy tâm huyết từ gia đình, nhằm bảo tồn di sản tinh thần thiêng liêng của một con người đã sống trọn vẹn vì Tổ quốc.
Ngày 18/7, tại Hà Nội, Nhà xuất bản (NXB) Phụ nữ, Báo Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ phát triển tổ chức buổi giao lưu giới thiệu cuốn sách "Đặng Thùy Trâm và cuốn nhật ký thứ ba" do tác giả Đặng Kim Trâm (em gái của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm) biên soạn.
Năm 2005, hai cuốn nhật ký chiến tranh của nữ bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, sau 35 năm ẩn tích trên đất Mỹ, đã được chính những cựu binh Mỹ trả về cho gia đình bà và nhờ đó, thế giới biết đến "Nhật ký Đặng Thùy Trâm".
Cho đến nay, hơn nửa triệu bản sách đã được phát hành tại Việt Nam và được dịch ra 23 thứ tiếng trên thế giới đã gây xúc động mãnh liệt và truyền cảm hứng cho rất nhiều người về một tâm hồn Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, tinh tế, quả cảm và nhân ái, giữa đạn bom ác liệt vẫn tươi sáng khát vọng, tình yêu.

“Ngọn lửa” Đặng Thùy Trâm tỏa sáng trong thế hệ trẻ Việt Nam, sức sống lan tỏa qua những dòng nhật ký chiến tranh ấy vẫn luôn bền bỉ suốt 20 năm qua. Bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc - Tổng Biên tập NXB Phụ nữ Việt Nam cho biết, đã có rất nhiều sự kiện, hoạt động... được tổ chức để tôn vinh hình tượng nữ bác sĩ, liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang Đặng Thùy Trâm.
Năm 2025, cuốn sách "Đặng Thùy Trâm và cuốn nhật ký thứ ba" được NXB Phụ nữ Việt Nam ấn hành là dịp nhìn lại trọn vẹn câu chuyện đặc biệt của một con người – chiến sĩ bình dị trong chiến tranh, giúp chúng ta biết thêm về chân dung Đặng Thùy Trâm với tuổi trẻ, tri thức và văn hóa của một người con gái Hà Nội tinh khôi và tràn đầy lý tưởng; Đặng Thùy Trâm trong vòng tay thương yêu của gia đình và bè bạn, trước khi xung phong vào chiến trường.
Cuốn sách do bà Đặng Kim Trâm, em gái của nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm biên soạn. Bà Đặng Kim Trâm đã từng dịch nhiều sách tiếng Anh, viết báo và là người phụ trách chính các di cảo của Đặng Thùy Trâm, biên soạn thành sách, cùng với nhiều tư liệu khác liên quan.
Chia sẻ tại buổi giao lưu, bà Đặng Kim Trâm cho biết đây là cuốn nhật ký được bác sĩ Đặng Thùy Trâm viết trước khi đi vào chiến trường miền Nam và gửi lại cho mẹ bà giữ trong suốt chừng ấy năm. Đến nay, gia đình quyết định công bố cuốn nhật ký này và gọi nó là cuốn thứ ba, vì nó là cuốn nhật ký thứ ba của Đặng Thùy Trâm đến tay bạn đọc.
“Trong cuốn thứ ba này, chúng tôi mong muốn đưa ra một bức tranh đầy đủ hơn về chị Đặng Thùy Trâm, về tuổi thơ, về gia đình, về những suy nghĩ, về những năm tháng đầu đời cũng như những trăn trở của chị khi còn là học sinh. Những ước mơ của chị muốn có khi hòa bình với niềm khao khát có một sự nghiệp khoa học, một sự nghiệp văn học, muốn có hạnh phúc... những điều đó, đều được chị viết trong cuốn nhật ký này”, bà Đặng Kim Trâm chia sẻ.

Một số bài viết trong cuốn sách đã khắc họa bức tranh của một thời mà người người hướng về Tổ quốc, về một gia đình trí thức Hà Nội điển hình, có cô con gái xung phong “đi B”, dấn thân vào nơi chiến trường ác liệt nhất rồi hy sinh, để lại những dòng nhật ký chiến tranh lay động trái tim bao người.
Thời thơ ấu, thiếu niên và một phần thanh xuân tươi đẹp của Đặng Thùy Trâm được kể lại, cùng với những kỷ niệm bên gia đình, bè bạn, trong lòng Thủ đô Hà Nội hòa bình, với trái tim hướng về miền Nam ruột thịt còn đang chịu cảnh bom rơi đạn nổ.
Một phần quan trọng trong cuốn sách là Di cảo chưa từng công bố của nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm, bao gồm “cuốn nhật ký thứ ba” và một số thư từ với gia đình, bè bạn. Trong những trang nhật ký đó hiện lên hình ảnh một Đặng Thùy Trâm đầy tính nữ, với sức trẻ, với một trái tim tràn ngập tình yêu dành cho đất nước, gia đình, người thân, bè bạn và tình yêu lứa đôi.
Đặc biệt, một điều từng gây nhiều tò mò tranh cãi là mối tình không thành của Đặng Thùy Trâm với M., một quân nhân miền Nam đa tài, trong cuốn sách này cũng được nhìn nhận lại, từ khía cạnh chân thật nhất, “đời” nhất.

Phần sau của cuốn sách thuật lại hành trình 2 cuốn nhật ký chiến tranh của Đặng Thùy Trâm tìm về với nơi nó thuộc về sau 35 năm, ly kỳ và xúc động; những chuyện sau khi "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" được xuất bản, như chuyện đi tìm gặp người đầu tiên của phía “bên kia” đọc nhật ký Đặng Thùy Trâm và ngăn đừng đốt, về chuyến đi sang Mỹ nhận về 2 cuốn nhật ký bị thất lạc, chuyện người mẹ vĩ đại của người con gái vĩ đại...
"Đặng Thùy Trâm và cuốn nhật ký thứ ba" không chỉ nối tiếp mạch cảm xúc từ hai cuốn nhật ký đã được công bố, mà còn mở ra những chiều sâu mới trong suy nghĩ, lý tưởng và đời sống nội tâm của liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm.
Đọc cuốn sách, bạn đọc như được chạm vào mạch sống thầm lặng mà kiên cường của một thế hệ đã hy sinh trọn vẹn cho độc lập dân tộc. Đây không chỉ là hồi ức về một cá nhân, mà còn là biểu tượng bất diệt của tuổi trẻ Việt Nam trong những năm tháng không thể nào quên của lịch sử.