Bức tranh dân số thế giới 2100: Già hóa, tái định hình và sự trỗi dậy của châu Phi
(CLO) Báo cáo mới đây từ Trung tâm nghiên cứu Pew, dựa trên dữ liệu của Liên hợp quốc năm 2023, đã phác họa 5 xu hướng nhân khẩu toàn cầu cho đến năm 2100.
Dân số thế giới sẽ tăng chậm hơn từ nay đến 2100
Theo các kịch bản dự báo, dân số thế giới, hiện vào khoảng hơn 8,2 tỷ người, sẽ tăng chậm hơn nhiều so với thế kỷ trước. Mức tăng trong giai đoạn từ nay đến năm 2100 ước đạt khoảng 1,9 tỷ người, đưa dân số toàn cầu lên khoảng 10,3 tỷ người vào năm 2084, trước khi giảm nhẹ còn 10,2 tỷ vào cuối thế kỷ.
Dân số Ấn Độ được dự báo sẽ tiếp tục tăng đến khi chạm mức 1,7 tỷ người vào năm 2061. Sau đó vào 2100, con số này sẽ giảm nhẹ còn 1,5 tỷ người. Trái lại, ở Trung Quốc, dân số đã bắt đầu chững lại và thậm chí sẽ giảm mạnh còn 633 triệu người vào năm 2100. Trong khi đó, dân số ở Mỹ sẽ tăng chậm và đạt 421 triệu người năm 2100.

Trật tự trong bảng xếp hạng các quốc gia đông dân nhất thế giới cũng đang dần định hình lại. Ấn Độ hiện nay đã vượt Trung Quốc, trở thành quốc gia đông dân nhất với khoảng 1,5 tỷ người. Con số này sẽ tiếp tục tăng và đạt đỉnh 1,7 tỷ vào năm 2061, sau đó quay về mức hiện tại vào năm 2100.
Ngược lại, dân số Trung Quốc đang suy giảm đáng kể và dự kiến sẽ chỉ còn khoảng 633 triệu người vào cuối thế kỷ, giảm gần một nửa so với hiện nay. Trong khi đó, dân số Mỹ dù vẫn tăng trưởng nhẹ và đạt khoảng 421 triệu người vào năm 2100, sẽ tụt hạng từ vị trí thứ ba hiện tại xuống vị trí thứ sáu trong bảng xếp hạng.
5 quốc gia sẽ đóng góp hơn 60% dân số
Trong khi các quốc gia đang dẫn đầu về dân số bắt đầu chững lại, nhóm các nước đang phát triển ở châu Phi và Nam Á lại chứng kiến đà tăng ngoạn mục. Cộng hòa Dân chủ Congo, Ethiopia, Nigeria, Pakistan và Tanzania được dự đoán sẽ đóng góp hơn 60% tổng mức tăng dân số toàn cầu đến năm 2100.
Nếu như hiện tại Nigeria và Ethiopia đã có mặt trong nhóm 10 quốc gia đông dân nhất thế giới, thì đến cuối thế kỷ, hai nước châu Phi khác, Congo và Tanzania, cũng sẽ gia nhập danh sách này. Đáng chú ý, trong nhóm các nước được dự báo đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng dân số toàn cầu, Mỹ là quốc gia duy nhất không nằm ở châu Phi hay châu Á, phản ánh rõ xu thế dịch chuyển nhân khẩu học về phía Nam bán cầu.
Già hóa dân số và sự trỗi dậy của châu Phi
Sự thay đổi này một phần là do số lượng người lớn tuổi ngày càng tăng, nhưng cũng vì số lượng người dưới 25 tuổi dự kiến sẽ giảm từ 3,3 tỷ người hiện nay xuống còn 2,9 tỷ người vào năm 2100. Tỷ lệ dân số toàn cầu dưới 25 tuổi cũng dự kiến sẽ giảm trong cùng kỳ, từ 40% xuống còn 28%.
Bức tranh dân số thế kỷ XXI còn bị chi phối mạnh bởi hiện tượng già hóa. Độ tuổi trung bình toàn cầu được dự báo sẽ tăng từ 31 tuổi lên 42 tuổi vào năm 2100. Trong khi đó, số người từ 65 tuổi trở lên sẽ tăng từ 857 triệu người lên tới 2,4 tỷ người, chiếm gần 1/4 tổng dân số thế giới. Đây là một bước nhảy vọt chưa từng có, nhất là khi ở thời điểm năm 1950, người cao tuổi chỉ chiếm 5% dân số toàn cầu.
Cùng thời gian đó, số người dưới 25 tuổi sẽ giảm từ 3,3 tỷ xuống 2,9 tỷ, kéo theo tỷ lệ của nhóm này trong dân số toàn cầu giảm từ 40% xuống chỉ còn 28%. Điều đáng chú ý là đến cuối thế kỷ, tỷ lệ người cao tuổi (trên 65) và người trẻ (dưới 25) sẽ gần như ngang bằng nhau, một cú đảo chiều sâu sắc so với năm 1950, khi người trẻ nhiều hơn người cao tuổi gấp 10 lần. Hiện tại, khoảng cách này đã rút xuống còn 4 lần.
Châu Phi vẫn sẽ là khu vực trẻ nhất thế giới
Châu Phi sẽ tiếp tục duy trì danh hiệu “khu vực trẻ nhất” đến cuối thế kỷ. Hiện nay, độ tuổi trung bình ở khu vực này là 19, thấp hơn đáng kể so với mức 32 ở Mỹ Latinh và Caribe, hay 43 ở châu Âu. Đến năm 2100, dù độ tuổi trung bình của châu Phi sẽ tăng lên 35, nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với phần còn lại của thế giới.

Ở cấp độ quốc gia, Mỹ, với độ tuổi trung bình hiện nay là 39, được xếp vào nhóm một phần ba các nước có dân số già nhất thế giới. Tuy nhiên, dân số Mỹ vẫn trẻ hơn nhiều quốc gia phát triển tại châu Âu và Đông Á, nơi độ tuổi trung bình đã vượt ngưỡng 43 tuổi.