Tin tức

Bắc Ninh ra công điện khẩn ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần biển Đông, có nguy cơ mạnh lên thành bão

Thanh Hoài 19/07/2025 19:02

(CLO) UBND tỉnh Bắc Ninh ra công điện khẩn số 04/CĐ-UBND yêu cầu thực hiện 8 nhiệm vụ ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần biển Đông, có nguy cơ mạnh lên thành bão

Trong thời gian vừa qua, nhiều đợt mưa lớn trên diện rộng đã gây ra ngập lụt, sạt lở đất, sạt trượt mái đê và một số sự cố về đê điều, công trình thủy lợi đã xảy ra trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, UBND các xã, các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi đã phải huy động một nguồn lực lớn để xử lý tạm thời các sự cố nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống công trình. Hiện nay hồ Hòa Bình hiện đang mở cửa xả đáy thứ 3, mực nước một số triền sông trong tỉnh đang ở mức cao, kết hợp với mưa lớn gây nguy cơ cao tiếp tục xảy ra các sự cố về đê, kè, công, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét và sự cố đối với các công trình thủy lợi của tỉnh.

img_20250719_184801.jpg
Đường đi dự báo của cơn bão số 3

Theo thông tin từ Trung tâm dự báo Khí tượng, thủy văn Quốc gia, hồi 13 giờ ngày 18/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,3 độ Vĩ Bắc; 123,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Bắc đảo Lu Dông (Phi-líp-pin). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (62-88km/giờ), giật cấp 11; di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ khoảng 30km/h; dự báo từ ngày 20-25/7 khả năng xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng ở khu vực Bắc Bộ. Dự báo hướng đi của bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn tỉnh Bắc Ninh có thể gây mưa lớn từ 200-300mm, lũ trên các sông, suối sẽ dâng cao gây nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở các xã, phường: Sa Lý, Tân Sơn, Sơn Hải, Biên Sơn, Biển Động, Đại Sơn, Vân Sơn, Yên Định, Sơn Động, An Lạc, Dương Hưu, Tây Yên Tử, Tuấn Đạo, Lục Sơn, Trường Sơn, Nghĩa Phương, Bắc Lũng, Cẩm Lý, Lục Ngạn, Đèo Gia, Nam Dương, Kiên Lao, Chủ, Phượng Sơn, Đông Phú, Bảo Đài, 2 Xuân Lương, Tam Tiến, Đồng Kỳ, Bố Hạ, Tiên Lục, Bố Hạ, Mỹ Thái, Bắc Giang, Phúc Hoà, Đa Mai, Tân Tiến, Tiền Phong, Yên Dũng, Cảnh Thuỵ, Tân An, Đồng Việt, Nghĩa Phương, Lục Nam, Bắc Lũng, Cẩm Lý, Nếnh, Vân Hà, Hiệp Hoà, Xuân Cẩm, Hợp Thịnh.

img_1752925747725_1752925793073.jpg
Từ 15 giờ đến 17 giờ chiều nay (19/7), nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có mưa to với lưu lượng lớn trong thời gian ngắn gây thiệt hại một số công trình.

Để chủ động ứng phó với ATNĐ gần biển Đông có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ lớn có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu; Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh; Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các xã, phường tại địa phương; Các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi; -Trung tâm Bơm tiêu thoát nước đô thị; Công ty CP Thoát nước và xử lý nước thải Bắc Ninh; Báo và Phát thanh, Truyền hình Bắc Ninh; Trung tâm Thông tin tỉnh; Các Hạt Quản lý đê thực hiện 8 nhiệm vụ sau.

1. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các xã, phường theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện công tác phòng ngừa, ứng phó với Bão với tinh thần phải chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất để đảm bảo an toàn tính mạng, nhất là người già, trẻ em và các đối tượng yếu thế, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của Nhà nước và nhân dân.

2. Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các xã, phường thường xuyên theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến thời tiết, thiên tai để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, nhân dân chủ động phòng, tránh, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố.

3. Chỉ đạo rà soát và có phương án đảm bảo an toàn công trình đê điều, giao thông, thủy lợi, nhà ở, kho tàng, trụ sở, công trình công cộng, các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp; các khu vực có công trình nhà cao tầng, cột, biển báo, khu vực có công trình đang thi công và các sự cố đã xảy ra trong thời gian vừa qua. Chủ động sẵn sàng triển khai các kế hoạch, phương án ứng phó với thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ".

4. Chủ động rà soát thu hoạch lúa, rau màu, có phương án bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chống úng cho các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Chú ý các các phương án phòng, chống úng ngập đô thị; chằng chống, cắt tỉa, giải tỏa cây có nguy cơ gẫy, đổ, ứng phó mưa to, gió lớn.

5. Yêu cầu UBND các xã, phường có cơ nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất thông tin kịp thời và tuyên truyền đến người dân chủ động sơ tán người và tài sản tại các khu, cụm dân cư ven sông suối, các điểm đã và đang có diễn biến sạt lở đất, bờ sông, các điểm dân cư sinh sống trong các khu vực bãi sông nêu trên đến nơi an toàn.

6. Bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực trọng điểm xung yếu, các hệ thống cống tiêu thoát nước trong các khu công nghiệp, khu đô thị và dân cư để sẵn sàng triển khai xử lý kịp thời các tình huống phát sinh khi bão, lũ.

7. Báo và Đài Phát thanh, Truyền hình tỉnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh thường xuyên cập nhật diễn biến của bão, tình hình mưa, úng và tăng cường thời lượng đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để các cấp chính quyền và nhân dân chủ động ứng phó.

8. Tổ chức thường trực nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên cập nhật thông tin, báo cáo kịp thời về Sở Nông nghiệp và Môi trường (Cơ quan văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh) để tổng hợp, tham mưu chỉ đạo điều hành.

Thanh Hoài