Đẩy tiến độ cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu ngay từ giai đoạn đầu
(CLO) Hiện chủ đầu tư đã chỉ đạo nhà thầu huy động tối đa nhân lực, trang thiết bị thi công cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu để bám sát tiến độ đề ra ngay từ giai đoạn đầu.
Cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn Km19+00-Km53+00) có chiều dài tuyến chính 34 km, tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, được khởi công xây dựng vào tháng 9/2024.

Giai đoạn một, cao tốc được thiết kế tốc độ 80 km/h, chiều rộng nền đường 12m. Dự kiến giải phóng mặt bằng quy mô 4 làn xe và hoàn thành năm 2028.
Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu có 4 gói thầu xây lắp lớn do nhiều nhà thầu tên tuổi thi công như Tổng công ty CP xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải, Công ty TNHH thương mại và xây dựng Trung Chính, Tổng công ty xây dựng Trường Sơn,...
Các công trình cầu trên tuyến gồm 28 cầu trên tuyến chính, 2 cầu vượt ngang và 3 công trình hầm. Đặc biệt cầu dây văng Hòa Sơn dài 1010m là hạng mục quan trọng.





Phần cầu chính của cầu Hòa Sơn được thiết kế dạng cầu dây văng hai mặt phẳng dây.
Dầm chủ dạng dầm hộp BTCT dự ứng lực kết hợp dầm hộp thép liên hợp phạm vi giữa nhịp chính. Thi công lắp hẫng cân bằng đối với dầm bê tông và lắp hẫng đối với dầm thép từ các trụ tháp.
Kết cấu cầu dẫn dầm Super-T, bản mặt cầu liên tục, móng cọc khoan nhồi. Cầu Hòa Sơn vượt sông Đà có khẩu độ thông thuyền đảm bảo tàu sông cấp III, đầu tư giai đoạn 1 quy mô 4 làn xe (không bao gồm dải dừng xe khẩn cấp).

Ghi nhận thực tế của PV, nhà thầu đang huy động nhiều trang thiết bị, máy móc và công nhân để thi công các hạng mục đào đắp nền đường, cống hộp, công trình cầu,... với khí thế hết sức hối hả, khẩn trương.
Thông tin từ đại diện đơn vị thi công Công ty TNHH thương mại và xây dựng Trung Chính thực hiện hạng mục cầu Hòa Sơn cho biết, đường tiếp cận để thi công khó khăn do điều kiện tự nhiên đồi núi hiểm trở và địa chất phức tạp của khu vực Tây Bắc.
Cầu đi qua hồ Hòa Bình với mực nước sâu nên biện pháp sử dụng sà lan tạo mặt bằng thi công mố cọc được nhà thầu thực hiện.
Việc di chuyển không thể thực hiện bằng đường thủy vì đập thủy điện Hòa Bình. Cách duy nhất là cắt sà lan thành nhiều phần rồi vận chuyển bằng đường bộ đến cảng trung chuyển Thung Nai. Sau đó lắp ráp lại rồi hạ thủy và lai dắt đến vị trí thi công.





.jpg)
Ông Bùi Chí Công - Giám đốc quản lý dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu chia sẻ, bên cạnh khó khăn về điều kiện tự nhiên, địa hình đồi núi sông hồ chia cắt thì thời tiết mưa nhiều những ngày qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công dự án.
Tuyến cao tốc đi qua nhiều núi cao, vực sâu, buộc các giải pháp thiết kế phải phức tạp hơn. Trên tuyến có khoảng 10km cầu cạn và 85% vật liệu đất đắp được điều phối.
Để thực hiện các hạng mục quan trọng, nhà thầu cần phải sử dụng công nghệ tiên tiến, kỹ thuật thi công cao và nhân lực, thiết bị chuyên dụng.
Giám đốc quản lý dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu Bùi Chí Công cho biết thêm, chủ đầu tư thường xuyên đôn đốc nhà thầu thực hiện bám sát và vượt tiến độ đề ra.