Xe

Vì sao Ford bán Jaguar và Land Rover dù từng là niềm tự hào?

Dũng Phan (Theo SlashGear) 20/07/2025 14:12

(CLO) Ford bán Jaguar Land Rover cho Tata với giá 2,3 tỷ USD sau khi lỗ 14,5 tỷ, ôm khoản đầu tư 17 tỷ dang dở.

Vào thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra căng thẳng, Ford rơi vào tình thế khó khăn sau khi chi tiêu mạnh tay để sở hữu không chỉ một mà tới năm thương hiệu xe sang.

Cận cảnh biểu tượng mèo nhảy trên nắp capo xe Jaguar XJ40. Ảnh: Bartus Daniel

Thị trường xe sang khi ấy cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ khủng hoảng. Thậm chí tại Dubai, hàng loạt siêu xe như Ferrari, Lamborghini, Jaguar và Bentley bị bỏ rơi khi chủ nhân phải rời đi do nền kinh tế sụp đổ.

Trong bối cảnh kinh tế khắc nghiệt, thị trường xe sang suy giảm nghiêm trọng và Ford đối mặt với khoản lỗ lên tới 14,5 tỷ USD trong năm, hãng xe Mỹ buộc phải đưa ra quyết định bán Jaguar và Land Rover.

Ngày 26 tháng 3 năm 2008, Tata Motors, nhánh ô tô của một tập đoàn công nghiệp trị giá hàng tỷ USD tại Ấn Độ, đã mua lại hai thương hiệu Anh quốc này dưới tên gọi mới “Jaguar Land Rover” với mức giá chỉ 2,3 tỷ USD.

Ford từng gây chú ý khi công bố mua lại Jaguar vào năm 1989, mang theo kỳ vọng lớn lao để cứu thương hiệu “mèo nhảy” huyền thoại khỏi nguy cơ biến mất. Đến năm 2000, hãng tiếp tục mua Land Rover từ BMW với giá 2,7 tỷ USD. Vậy điều gì đã dẫn đến kết cục này? Ban đầu, mọi thứ có vẻ khả quan.

Đội đua Jaguar giành chiến thắng tại Daytona và Le Mans vào năm 1990, dòng xe XJ mới được ra mắt tại Triển lãm Ô tô Paris năm 1994. Đến năm 1995, doanh số XJ đạt mức cao nhất trong vòng 5 năm. Tuy nhiên, dù sở hữu vẻ ngoài hào nhoáng, Ford chưa bao giờ thu được lợi nhuận từ Jaguar.

Tham vọng xe sang đẩy Ford vào cảnh khó khăn

Năm 1998, Ford thành lập Premier Automotive Group (PAG), mở rộng danh mục sản phẩm tại thị trường Mỹ bằng cách bổ sung các thương hiệu xe sang như Volvo và Aston Martin, thương hiệu yêu thích của điệp viên 007.

Ford muốn chen chân vào thị trường xe sang đầy lợi nhuận, nhưng thay vì đầu tư phát triển các mẫu xe cao cấp của riêng mình như Toyota đã thành công với Lexus, hãng lại chọn cách mua lại các thương hiệu có sẵn.

Tầm nhìn mở rộng của Ford đầy tham vọng, với trụ sở PAG có các tầng riêng dành cho từng thương hiệu cao cấp, cùng trung tâm phát triển sản phẩm rộng 90.000 feet vuông. Sau khi mua Jaguar, Ford tiếp tục chi thêm 700 triệu USD để duy trì hoạt động của hãng.

Suốt thập niên 1990, Ford không ngừng đầu tư mạnh vào nhà máy tại Coventry và mẫu xe X-type. Thế nhưng, hãng gặp khó khăn trong việc thu hồi vốn.

Đến năm 2004, tình hình trở nên rõ ràng khi Ford phải cắt giảm sản lượng tại các nhà máy Jaguar và nỗ lực cải thiện sản phẩm Land Rover. Cùng năm đó, Ford bán đội đua F1 Jaguar cho Red Bull.

Tính đến thời điểm ấy, Ford đã rót khoảng 17 tỷ USD vào tham vọng xe sang, với dòng tiền đầu tư liên tục để duy trì các mẫu xe hấp dẫn. Năm 2006, Ford bổ nhiệm ông Allan Mullaly làm CEO mới, người bắt đầu chia tách PAG.

Khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng nổ vào năm sau, Ford cần thanh khoản để duy trì sản xuất các mẫu xe chủ lực tại các nhà máy ở Mỹ.

Buộc phải cắt lỗ

Trái với một số tin đồn, lý do Ford bán Jaguar và Land Rover không phải vì di sản Anh quốc không phù hợp với giá trị cốt lõi của hãng. Thực tế, Ford bán hai thương hiệu này chỉ vì một lý do duy nhất: tiền.

Chuyên gia ô tô Eric Wallbank của Ernst & Young từng phát biểu với BBC rằng thỏa thuận này sẽ mang lại cho Ford nguồn tiền để vực dậy hoạt động tại Mỹ và tập trung vào thương hiệu cốt lõi của mình. Dù Land Rover tiền đề, Ford chưa bao giờ kiếm được lợi nhuận từ khoản đầu tư vào Jaguar.

Hãng chỉ thu hồi được khoảng một nửa số tiền đã chi cho hai thương hiệu Anh quốc. Các nhà phân tích nhận định việc mua lại này là một sai lầm lớn.

Erich Merkle, chuyên gia ô tô của công ty tư vấn IRN (Mỹ), chia sẻ với BBC rằng không thể gọi đây là gì ngoài một thất bại, và đến một lúc nào đó, Ford buộc phải cắt lỗ vì hai thương hiệu này đã làm hao hụt tiền bạc cũng như nguồn lực của hãng. Theo BBC, Ford phải bán vì các nhà máy ô tô tại Mỹ đang hoạt động thua lỗ.

Thiệt hại của Ford không dừng lại ở đó. Hãng còn cam kết đóng góp tới 600 triệu USD cho quỹ hưu trí của người lao động. Trong khi Ford phải chịu hậu quả, Tata Motors tiếp quản Jaguar Land Rover và phát triển mạnh mẽ.

Đến năm 2024, Tata đưa ra quyết định táo bạo khi từ bỏ các mẫu Jaguar truyền thống chạy xăng để chuyển sang xe điện hoàn toàn. Dù động thái này gây tranh cãi, nhưng khi quan điểm về Jaguar dần thay đổi, có thể thấy Tata đang đặt cược đúng hướng.

Dũng Phan (Theo SlashGear)