Xã hội

Bão số 3 áp sát, 13 tỉnh thành khẩn cấp bảo vệ đê điều

Quang Hùng 20/07/2025 20:38

(CLO) Bão số 3 mạnh cấp 12, giật cấp 15, trùng thời điểm triều cường, 13 tỉnh thành được yêu cầu khẩn cấp bảo vệ hệ thống đê điều.

Sáng 19/7, bão WIPHA đã chính thức đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 3 trong năm 2025. Hiện tại, bão đang duy trì cường độ mạnh cấp 11-12, giật cấp 15. Dự báo, bão sẽ đổ bộ trong thời điểm nước triều dâng cao tại khu vực ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An, làm gia tăng nguy cơ uy hiếp các tuyến đê biển và đê cửa sông.

tn_0309.png
Đến 18h tối nay, bão số 3 cách Quảng Ninh-Hải Phòng khoảng 526 km với sức gió mạnh cấp 11-12 (103-133 km/h), giật cấp 15.

Không chỉ gây gió mạnh, bão số 3 còn mang theo mưa lớn trên diện rộng. Trong bối cảnh mực nước hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình và nhiều hồ chứa lớn đang ở mức cao, nguy cơ xảy ra lũ và ảnh hưởng đến an toàn các tuyến đê tại các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ là rất lớn.

Để chủ động ứng phó và đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã có văn bản chỉ đạo gửi 13 địa phương gồm Tuyên Quang, Lào Cai, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh khẩn trương thực hiện các biện pháp cấp bách.

congluan-cdn.congluan.vn-files-content-2024-09-24-__mg_9363-1959.jpg
13 tỉnh, thành được yêu cầu khẩn cấp bảo vệ hệ thống đê điều (ảnh: Hà Anh).

Trong đó, yêu cầu các địa phương phải khẩn trương triển khai thực hiện một số nội dung sau:

1. Thực hiện nghiêm Công điện số 112/CĐ-TTg ngày 19/7/2025 của Thủ tướng Chính phủ, Công điện số 4594/CĐ-BNNMT ngày 19/7/2025 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường về việc ứng phó với bão số 3 và mưa lớn.

2. Kiểm tra, rà soát và triển khai trên thực tế phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm đê điều xung yếu, các vị trí đã xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục, các công trình đê điều đang thi công dở dang để đảm bảo an toàn, nhất là đối với các tuyến đê trực diện biển khu vực bão đổ bộ (trong đó phải khẩn trương hoàn thành gia cố các vị trí có nguy cơ mất an toàn trước khi bão đổ bộ).

3. Tăng cường công tác kiểm tra các tuyến đê biển, đê sông, thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ theo quy định tại Thông tư số 01/2009/TT-BNN ngày 06/01/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) để kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố, tình huống có thể xảy ra ngay từ giờ đầu.

4. Sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị để hộ đê; đồng thời, kiểm tra thực tế công tác chuẩn bị và chủ động ứng phó với các sự cố, tình huống có thể xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”, đảm bảo an toàn cho các tuyến đê.

5. Thông báo đến chủ các phương tiện, công trình, người dân và triển khai phương án đảm bảo an toàn cho người, tài sản, công trình hạ tầng,... đối với các hoạt động ở khu vực ven biển và trên bãi sông. Sẵn sàng sơ tán những hộ dân ở khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, ngoài bãi sông (khu vực không có đê bảo vệ),…

6. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, tình hình hệ thống đê điều, báo cáo kịp thời các sự cố đê điều về Bộ Nông nghiệp và Môi trường (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai) để phối hợp chỉ đạo.

Quang Hùng