Tin tức

Bảo đảm đủ cán bộ để vận hành thông suốt bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp

Quốc Trần 21/07/2025 06:13

(CLO) Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long sắp xếp đội ngũ cán bộ ở địa phương, nhất là cấp xã, bảo đảm đầy đủ cán bộ để vận hành thông suốt bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp.

Theo Thông báo số 371/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp về tình hình thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; tiến độ triển khai các công trình giao thông trọng điểm và Đề án 1 triệu hec-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nêu:

Về triển khai chính quyền 2 cấp: Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ĐBSCL cần triển khai quyết liệt, hiệu quả Kết luận số 177-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sắp xếp đội ngũ cán bộ ở địa phương, nhất là cấp xã, bảo đảm đầy đủ cán bộ để vận hành thông suốt bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp.

img7254-17524051359201291080283.jpg
Thủ tướng trò chuyện, động viên đội ngũ cán bộ, công chức đang làm nhiệm vụ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Ninh Kiều, TP Cần Thơ.

Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu chuẩn bị tốt công tác cán bộ, nhân sự và văn kiện cho đại hội Đảng bộ các cấp, trong đó linh hoạt vận dụng một số tiêu chí, tiêu chuẩn về công tác cán bộ có thể vận dụng được theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, không được để ách tắc, không để xảy ra tiêu cực, nhũng nhiễu, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển của địa phương và đất nước.

Củng cố, tăng cường hệ thống y tế cơ sở, bảo đảm hoạt động khám chữa bệnh cho người dân phải không bị chậm trễ, đứt gẫy, không để người bệnh không có nơi chữa bệnh. Triển khai xây dựng trường học bán trú cho các học sinh ở khu vực biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.

Hoàn thiện hạ tầng số, đặc biệt là các nơi có điều kiện khó khăn, nhất là phủ sóng viễn thông và hạ tầng điện.

Về các công trình trọng điểm vùng ĐBSCL: Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan hướng dẫn các địa phương theo hướng xây dựng, ban hành theo thẩm quyền về đơn giá nguyên vật liệu không phải đấu thầu cung cấp cho các dự án trọng điểm trên địa bàn (trong đó có tỉnh Đồng Tháp); hướng dẫn giải pháp gia tải để rút ngắn thời gian gia tải chờ lún, đẩy nhanh tiến độ các dự án, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, an toàn công trình.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường nghiên cứu xử lý ngay các khó khăn, vướng mắc về vật liệu xây dựng cho các địa phương; khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 85/CĐ-TTg ngày 10/6/2025, giải quyết ngay các khó khăn vướng mắc về vật liệu xây dựng, nghiên cứu đề xuất, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật theo hướng mở rộng đối tượng, phạm vi các dự án được cấp phép khai thác khoáng sản nhóm IV, quy định khoáng sản làm vật liệu xây dựng, san lấp khu vực ĐBSCL được áp dụng quy định tương tự cho khoáng sản nhóm IV, ban hành trong tháng 7/2025. Tinh thần là không để ách tắc và không để lợi dụng chính sách để tham nhũng, tiêu cực.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương chuẩn bị Lễ khánh thành, khởi công các công trình, dự án vào ngày 19/8/2025 (các đoạn tuyến cao tốc, các đường dẫn, nút giao, các công trình quan trọng khác…).

Về Đề án 01 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại vùng đồng bằng sông Cửu Long (Đề án): Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tham gia thực hiện Đề án và các cơ quan liên quan hoàn thiện việc rà soát, phê duyệt quy hoạch vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL thuộc Đề án, hoàn thành trong quý III/2025;

Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam, tiếp tục xây dựng các thương hiệu mới và bảo vệ các thương hiệu, giải thưởng đã được công nhận để nâng cao giá trị gia tăng cho ngành lúa gạo của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tham gia thực hiện Đề án chủ động xây dựng quy trình kỹ thuật để hướng dẫn người nông dân và các hợp tác xã triển khai thực hiện.

Đối với Bộ Công Thương triển khai ngay các hiệp định về lúa gạo, thực hiện ký các hiệp định dài hạn (từ 5-10 năm), bảo đảm đầu ra ổn định cho người nông dân.

Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL xây dựng mẫu mã bao bì bền, đẹp, phù hợp với văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam và dễ nhận diện.

Các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Môi trường triển khai thực hiện Đề án, chủ động giải quyết theo thẩm quyền và quy định của pháp luật đối với các vướng mắc phát sinh (nếu có). Trong quá trình thực hiện phải bảo đảm nguyên tắc liên kết 4 nhà: Doanh nghiệp - Nhà nông - Nhà khoa học - Nhà nước; các doanh nghiệp phải cam kết và bảo đảm đầu ra, cung ứng vật tư nông nghiệp và các mặt hàng phục vụ cho sản xuất lúa (phân bón, thuốc trừ sâu và các vấn đề liên quan đến tăng năng suất lao động…).

Quốc Trần