Israel có bao giờ bị phản đối vì ném bom các nước láng giềng?
(CLO) Trong hai năm qua, Israel đã mở rộng phạm vi chiến dịch quân sự ra khắp Trung Đông, không chỉ tiếp tục cuộc chiến ở Gaza và đẩy mạnh chiếm đóng tại Bờ Tây, mà còn tiến hành các cuộc tấn công vào Iran, Lebanon, Syria và Yemen.
Tuần này, Israel tiếp tục không kích Syria, thậm chí nhắm vào cả trụ sở Bộ Quốc phòng nước này. Dù tuyên bố hành động để "bảo vệ cộng đồng Druze thiểu số", lý do mà Israel đưa ra không xoa dịu được những nghi ngờ về mục tiêu thực sự của họ.
Một lệnh ngừng bắn do Mỹ làm trung gian đã được áp đặt, song tính bền vững của nó vẫn còn bỏ ngỏ.
Tại Lebanon, Israel nói rằng họ phải ngăn chặn mối đe dọa từ Hezbollah. Ở Iran, lý do đưa ra là để ngăn chặn chương trình vũ khí hạt nhân. Còn ở Yemen, Israel khẳng định họ đáp trả các cuộc tấn công của lực lượng Houthi.

Tấn công để tồn tại?
Giới lãnh đạo Israel, đặc biệt là chính phủ cực hữu hiện nay, không còn quan tâm đến việc xây dựng quan hệ láng giềng. Thay vào đó, họ ưu tiên khiến các nước xung quanh phải sợ hãi.
Thế giới không thể ngăn Israel chiếm đóng đất của người Palestine, điều trái với luật pháp quốc tế. Các khu định cư vẫn mở rộng ở Bờ Tây, người Palestine không có vũ khí vẫn bị sát hại bởi các nhóm định cư cực đoan. Các tổ chức quốc tế nhiều lần lên án Israel vi phạm luật chiến tranh ở Gaza, thậm chí cáo buộc tội ác diệt chủng, nhưng không có hậu quả thực tế nào.
Israel đã nhiều lần vượt lằn ranh đỏ mà không phải trả giá. Iran, mối đe dọa lớn nhất đối với Israel, từng được cho là sẽ phản ứng mạnh mẽ nếu bị khiêu khích quá mức. Nhưng sau 12 ngày giao tranh trực tiếp, cuộc xung đột giữa hai nước không leo thang thành một cuộc chiến khu vực. Iran đã tấn công Israel theo cách chưa từng có, nhưng vẫn chọn kiềm chế, không để đất nước rơi vào chiến tranh toàn diện.
Tại Lebanon, sau chiến dịch oanh tạc và tấn công kéo dài vào năm ngoái, Israel đã làm suy yếu nghiêm trọng Hezbollah, nhóm vũ trang từng là nỗi ám ảnh, khiến tổ chức này mất đi lãnh đạo biểu tượng Hassan Nasrallah và phần lớn năng lực quân sự.
Trò chơi nguy hiểm ở Syria
Về tình hình tại Syria, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu yêu cầu phi quân sự hóa khu vực phía nam Damascus, viện dẫn lý do bảo vệ người Druze – cộng đồng cũng sinh sống ở Israel. Ông cũng cho rằng chính quyền mới tại Syria không đáng tin do có liên hệ với al-Qaeda.
Sau khi Israel tấn công và Mỹ gây áp lực, Tổng thống Syria Ahmed al-Sharaa đồng ý rút lực lượng khỏi tỉnh Suwayda, khu vực người Druze sinh sống, đồng thời cảnh báo rằng Israel có thể khơi mào chiến tranh, nhưng khó kiểm soát được hậu quả.
Ngay sau đó, hàng nghìn người Bedouin và các nhóm bộ lạc đã đổ về hỗ trợ lực lượng của mình, khiến tình hình bùng phát. Cuối cùng, chính quyền Syria phải đưa quân trở lại Suwayda để dập tắt xung đột, và một lệnh ngừng bắn mới được tuyên bố vào ngày 19/7.
Dù Israel muốn giữ biên giới an toàn bằng cách đẩy hỗn loạn ra ngoài, tình hình này cho thấy sự can thiệp sâu có thể phản tác dụng.
Phản ứng từ khu vực và nội bộ
Hành động của Israel đang đẩy nước này vào thế cô lập. Ả Rập Xê Út, từng được kỳ vọng tham gia bình thường hóa quan hệ, đã thể hiện sự ủng hộ đối với chính quyền mới của Syria và thể hiện sự xa cách với Israel sau chiến sự ở Gaza.
Với nhiều quốc gia Trung Đông, sự trỗi dậy của chính phủ cực hữu tại Israel đồng nghĩa với bành trướng, bất ổn và rủi ro an ninh. Dù tạm thời giành ưu thế quân sự, Israel đang đánh mất lòng tin, thậm chí ngay cả từ các đồng minh truyền thống – kể cả công chúng Mỹ, nơi sự ủng hộ dành cho Israel đang giảm sút.
Trong khi đó, nội bộ Israel cũng không ổn định. Tỷ lệ quân dự bị sẵn sàng tham chiến đang giảm, điều đáng báo động trong một đất nước phụ thuộc phần lớn vào quân nhân dự bị. Các cuộc xung đột xảy ra liên miên, kể cả bên ngoài lãnh thổ, không mang lại cảm giác an toàn thực sự cho người dân.
Sự chia rẽ cũng ngày càng sâu sắc: một bên là phe cực đoan theo chủ nghĩa dân tộc muốn mở rộng lãnh thổ bằng vũ lực và áp đặt sức mạnh; bên còn lại là phe ôn hòa hơn, không hẳn ưu ái người Palestine, nhưng muốn Israel duy trì hình ảnh của một quốc gia Do Thái tự do trong cộng đồng quốc tế.
Nếu tình hình hiện tại tiếp diễn, Israel có thể vẫn thắng trong các trận chiến nhưng thua trong cuộc chiến lâu dài về danh tiếng, ổn định và quan hệ quốc tế. Sự cô lập ngày càng sâu có thể khiến bất kỳ thắng lợi quân sự nào cũng trở thành con dao hai lưỡi.