Tin tức

Cấp xã, phường cần có cách tiếp cận mới, hành động mới trong phát huy dân chủ

Quốc Trần 21/07/2025 13:54

(CLO) Phó Thủ tướng Mai Văn Chính đề nghị cấp xã, phường cần đổi mới tư duy, hành động, có cách tiếp cận mới, hành động mới trong phát huy dân chủ nhất là trong bối cảnh chúng ta thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp.

Sáng 21/7, tại Tây Ninh, Đoàn kiểm tra, khảo sát của Ban chỉ đạo Trung ương do Phó Thủ tướng Mai Văn Chính, Phó Trưởng Ban chỉ đạo, làm trưởng đoàn đã làm việc với Ban Thường vụ tỉnh ủy Tây Ninh về việc thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW, ngày 18/02/1998 của Bộ Chính trị về "xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở"; tình hình và kết quả thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy đơn vị hành chính 2 cấp trên địa bàn tỉnh.

hinh8-bac-chinh-ket-luan-17530752710761738251532.jpg
Phó Thủ tướng Mai Văn Chính, Phó Trưởng Ban chỉ đạo phát biểu tại cuộc làm việc.

Vẫn còn thiếu cán bộ chuyên môn tại cấp xã

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận tỉnh Tây Ninh Thành Từ Dũ cho biết, sau hợp nhất, Đảng bộ tỉnh Tây Ninh có 100 tổ chức Đảng trực thuộc; 41 dân tộc thiểu số; 11 tôn giáo được Nhà nước công nhận đang hoạt động.

Đáng chú ý, đối với việc thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có 96 đơn vị hành chính cấp xã (82 xã và 14 phường) được tổ chức hoạt động theo đúng quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương; hoạt động của các đơn vị cơ bản ổn định, đáp ứng được nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính cho nhân dân.

Qua nắm tình hình hoạt động tại các xã, phường trên địa bàn tỉnh, còn một số khó khăn nhất định như: Điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật (máy móc, thiết bị, mạng máy tính,…) một số nơi chưa được đảm bảo.

hinh7-pham-tat-thang-1753075334023603184971.jpg
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân Vận Trung ương Phạm Tất Thắng phát biểu.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, sau 20 ngày thực hiện, chính quyền địa phương 2 cấp bước đầu cơ bản ổn định, đi vào thông suốt, hiệu quả. Tuy nhiên, thực tế thực hiện, các địa phương vẫn còn gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính có tính chất liên thông từ cấp xã đến các sở, ngành. Vẫn còn thiếu cán bộ chuyên môn tại cấp xã. Việc cấp mã số kinh doanh hiện nay gặp nhiều khó khăn do UBND cấp xã phải trực tiếp đăng ký với Bộ Tài chính.

Lãnh đạo UBND tỉnh Tây Ninh kiến nghị Bộ Nội vụ sớm có văn bản hướng dẫn ban hành văn bản quy định mục mã định danh tài liệu, hồ sơ và ký hiệu văn bản của cơ quan, tổ chức mới sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy.

hinh4-pham-tan-hoa-pct-1753075422249739502134.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Phạm Tấn Hòa báo cáo.

Phải phát huy tính dân chủ trong nhân dân

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân Vận Trung ương Phạm Tất Thắng cho rằng, việc thực hiện QCDC hiện nay chuyển sang bối cảnh mới khi từ ngày 1/7, bắt đầu triển khai chính quyền địa phương 2 cấp, trong đó, tổ chức lại MTTQ với các tổ chức chính trị xã hội. Đây là những tổ chức có vai trò quan trọng trong việc phát huy QCDC tại các địa phương.

Theo ông Phạm Tất Thắng, trong bối cảnh mới, những nội dung nào còn giá trị, mô hình nào ở cơ sở hiệu quả thì cần phát huy. Đồng thời, tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc với các tổ chức chính trị-xã hội tại các địa phương nhằm gần dân, sát dân hơn.

hinh2-bac-mai-chinh-1753075471041178239211.jpg
Quang cảnh cuộc làm việc.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Mai Văn Chính lưu ý, các xã, phường tiếp tục phát huy tính dân chủ theo phương châm: Dân biết, dân làm dân kiểm tra, dân giám sát. Điều này gắn với việc phân cấp, địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, trước khi làm thì phải phát huy tính dân chủ trong nhân dân, nhất là trong xây dựng nông thôn mới, tổ dân phố…

Bên cạnh những mặt tích cực đạt được, Phó Thủ tướng Mai Văn Chính cũng lưu ý, việc thực hiện QCDC tại tỉnh Tây Ninh có lúc có nơi cũng còn hình thức, cần rút kinh nghiệm. Việc thực hiện QCDC cần phải được sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm; cấp xã, phường cần đổi mới tư duy, hành động, có cách tiếp cận mới, hành động mới trong phát huy dân chủ nhất là trong bối cảnh thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp. Xây dựng chính quyền gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn. Chuyển từ thụ động sang chủ động kiến tạo phục vụ nhân dân.

"Khi chuyển sang mô hình mới, chính quyền địa phương 2 cấp, các cấp nhất là xã, phường không được để xảy ra ách tắc, không thông suốt trong việc liên quan đến người dân, thủ tục hành chính, đầu tư…Mọi cơ chế chính sách liên quan đến các vấn đề kinh tế-xã hội, tài chính, đầu tư công, quy định rõ ràng công khai minh bạch, dân chủ", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Quốc Trần