Tin tức

Hà Nội giám sát, đốc thúc thay thế hàng trăm cầu yếu, cầu tạm

Minh Chí 21/07/2025 18:24

(CLO) Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội đã làm việc với các sở, ngành, đẩy nhanh công tác cải tạo, nâng cấp, xây dựng thay thế gần 170 cầu yếu, cầu tạm đang tiềm ẩn nguy hiểm trên địa bàn, theo chỉ đạo khẩn từ Thành ủy.

Ngày 21/7, Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội đã có buổi làm việc với đại diện các Sở Xây dựng, Tài chính, Nông nghiệp và Môi trường, Quy hoạch Kiến trúc và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố để giám sát công tác cải tạo, nâng cấp, xây dựng thay thế các cầu yếu, cầu tạm trên địa bàn.

screenshot_1753093007.png
Hà Nội giám sát, đốc thúc thay thế hàng trăm cầu yếu, cầu tạm

Chủ trì buổi làm việc, Trưởng ban Đô thị Đàm Văn Huân cho biết, sau bão Yagi năm 2024, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Thông báo số 1866-TB/TU ngày 9/9/2024. Theo đó, một trong những nhiệm vụ cấp bách là "Tổ chức rà soát tổng thể toàn bộ hệ thống các cầu bắc qua sông trên địa bàn thành phố để đánh giá, phân loại mức độ an toàn của từng cầu, nhất là các cầu bắc qua sông Hồng".

Thành ủy cũng yêu cầu triển khai ngay việc gia cố, sửa chữa các cầu yếu, có phương án giảm tải phương tiện hoặc dừng lưu thông nếu cầu không đảm bảo an toàn. UBND thành phố được giao chỉ đạo xây dựng chương trình tổng thể cải tạo, nâng cấp, thay thế cầu yếu trong giai đoạn 2024-2025 và các năm tiếp theo.

Ông Đàm Văn Huân nhấn mạnh, mục tiêu buổi giám sát nhằm làm rõ công tác tham mưu của các sở, ban ngành trong việc khắc phục, sửa chữa cầu tạm, cầu yếu sau bão Yagi, cũng như công tác khai thác, duy tu sau gần một năm Thành ủy chỉ đạo. Đồng thời, xác định những khó khăn, vướng mắc trong quản lý nhà nước về công trình cầu.

Theo ông Trần Hữu Bảo, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, UBND thành phố giao Sở quản lý 587 cây cầu, bao gồm 7 cầu lớn, 492 cầu nhỏ, 13 cầu vượt nhẹ và 75 cầu đi bộ. Qua tổng hợp, toàn thành phố có 167 công trình cầu yếu, cầu tạm do quy mô mặt cắt ngang chưa đồng bộ với tuyến đường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Trong số này, 58 cầu thuộc cấp thành phố quản lý đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, theo dõi, duy tu; 114 cầu thuộc quản lý của cấp quận, huyện, thị xã cũ.

Giai đoạn 2017-2024, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố đã đề xuất đầu tư đối với 41 cầu yếu. Đến nay, 27 cầu đã hoàn thành và đưa vào khai thác, 12 cầu đang thi công, 2 cầu đang điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Từ năm 2024 đến nay, 25 dự án đầu tư xây dựng cầu thay thế cầu yếu do thành phố quản lý đã được triển khai. Các công trình cải tạo, sửa chữa, duy tu định kỳ cũng đang được Sở Xây dựng kiểm tra, đánh giá để đề xuất thực hiện trong năm 2025.

Cũng theo Sở Xây dựng, đến nay, Sở đã nhận được nhiều phản ánh của cử tri đề xuất đầu tư xây dựng cầu mới thay thế cầu cũ hoặc cải tạo, sửa chữa: 3 cầu (Trung Hoà, Thượng Tiết, Núi Vua) trên địa bàn huyện Mỹ Đức cũ; cầu Minh Châu huyện Ba Vì cũ, cầu Tân Dân huyện Phú Xuyên cũ; 3 cầu (Khánh Vân, Phúc Quan, Vọng Tân) trên địa bàn huyện Ứng Hoà cũ... Theo đó, các công trình cầu này đều do địa phương quản lý theo phân cấp và đã được Sở Xây dựng tổng hợp, báo cáo UBND thành phố.

Tại buổi làm việc, các thành viên Ban Đô thị chỉ ra hạn chế lớn nhất là chưa xác định được hết danh mục cầu yếu; các cầu đầu tư mới chưa có trong danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; nguồn vốn đầu tư còn hạn chế. Ngoài ra, nhiều cầu xây dựng từ lâu, một số là cầu phao, cầu tạm tự phát, thiếu hồ sơ hoàn công, kiểm định.

Kết luận buổi làm việc, ông Đàm Văn Huân đề nghị các đơn vị báo cáo bổ sung nội dung đoàn giám sát quan tâm, đồng thời rà soát tổng thể các cây cầu, thực hiện kiểm định để đánh giá mức độ an toàn. Từ đó, đưa ra giải pháp hạn chế phương tiện, hoặc xây mới thay thế, sửa chữa.

Ông Huân đặc biệt yêu cầu các sở, ngành tiếp tục thực hiện Thông báo số 1866-TB/TU của Thành ủy, tổ chức rà soát tổng thể toàn bộ hệ thống các cầu để đánh giá, phân loại mức độ an toàn.

"Cùng với việc rà soát, cần xây dựng phương án ứng phó ngay, lường trước mọi yếu tố rủi ro, nhằm bảo đảm an toàn", ông Huân nhấn mạnh.

Minh Chí