Viện trợ nước ngoài cho Đông Nam Á dự kiến giảm hơn 2 tỷ USD
(CLO) Viện Lowy (Úc) cảnh báo viện trợ phát triển dành cho Đông Nam Á có thể giảm hơn 2 tỷ USD vào năm 2026, do phương Tây siết chi tiêu, chuyển ưu tiên sang quốc phòng.
Theo báo cáo mới công bố, tổng viện trợ cho Đông Nam Á sẽ giảm từ 29 tỷ USD vào năm 2023 xuống còn 26,5 tỷ USD vào năm tới, thấp hơn hẳn mức trung bình trước đại dịch là 33 tỷ USD. Viện trợ song phương – nguồn vốn thiết yếu cho các chương trình y tế, giáo dục và xã hội – sẽ giảm 20%, từ 11 tỷ xuống còn 9 tỷ USD.
Sự suy giảm được cho là đến từ các đợt cắt giảm ngân sách mạnh tay của châu Âu, Anh và đặc biệt là Mỹ. EU và 7 nước châu Âu dự kiến sẽ cắt hơn 17 tỷ USD trong giai đoạn 2025–2029. Vương quốc Anh đã giảm 7,6 tỷ USD viện trợ mỗi năm.
Cú sốc lớn nhất đến từ Mỹ khi chính quyền Tổng thống Donald Trump đóng cửa USAID, loại bỏ gần 60 tỷ USD viện trợ, cùng khoản cắt bổ sung 8 tỷ USD từ Thượng viện.
.png)
Trong khi đó, Trung Quốc đang từng bước lấp khoảng trống. Viện Lowy dự đoán tâm điểm tài trợ sẽ dịch chuyển về phía Đông, với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc ngày càng đóng vai trò lớn hơn. Viện trợ phát triển của Trung Quốc đã tăng trở lại sau đại dịch, đạt 4,9 tỷ USD vào năm ngoái.
Tuy nhiên, dòng vốn của Trung Quốc vẫn tập trung vào cơ sở hạ tầng quy mô lớn như cảng biển và đường sắt, với ưu tiên cho các nước thu nhập trung bình, thay vì hỗ trợ xã hội cho các nước nghèo nhất như Lào, Myanmar hay Đông Timor.
Cả Nhật Bản và Hàn Quốc đang mở rộng phạm vi hỗ trợ phát triển, từ hạ tầng sang các dự án xã hội dân sự và quản trị. Nhật Bản tài trợ cho các chương trình thúc đẩy dân chủ và bảo vệ người di cư, trong khi Hàn Quốc hỗ trợ Việt Nam chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới.
Cả hai quốc gia cũng đang chịu áp lực từ đồng minh Mỹ về việc tăng chi tiêu quân sự. Tại Nhật Bản, làn sóng chính trị “Nhật Bản trên hết” ngày càng mạnh khiến viện trợ đối ngoại có nguy cơ bị cắt giảm để ưu tiên ngân sách quốc phòng.
Giáo sư Shiga Hiroaki (Đại học Quốc gia Yokohama) nhận định: “Với thâm hụt ngân sách kéo dài và phản ứng tiêu cực của công chúng về việc tăng thuế, viện trợ phát triển rất có thể sẽ là lĩnh vực đầu tiên bị hy sinh”.