Nghị quyết 21: Hành lang pháp lý chờ "cú hích" từ thị trường và nguồn vốn
Quyết định 21 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục phân loại xanh được đánh giá là bước tiến pháp lý quan trọng, tháo gỡ vướng mắc cho toàn ngành. Dù vậy, để dòng vốn xanh thực sự bùng nổ, thị trường vẫn cần vượt qua 2 rào cản chính là nhu cầu vay còn thấp và bài toán về nguồn vốn giá rẻ.
Quyết định 21/2025/QĐ-TTg, ban hành ngày 04/7/2025 quy định về tiêu chí môi trường và việc xác nhận dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh. Đây là văn bản pháp lý quan trọng của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí môi trường và xác nhận dự án thuộc danh mục phân loại xanh, đặt nền móng cho tín dụng xanh tại Việt Nam. Quyết định này thúc đẩy sự phát triển của các công cụ tài chính bền vững như tín dụng xanh và trái phiếu xanh, đồng thời định hình dòng vốn đầu tư theo hướng thân thiện với môi trường.
Theo ông Phạm Như Ánh - Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB, HOSE: MBB), trước khi có Quyết định 21, dù MB đã tập trung cho vay vào các lĩnh vực xanh nhưng việc thiếu tiêu chuẩn quốc gia đã gây ra nhiều khó khăn. Quyết định mới này tạo ra cơ sở pháp lý rõ ràng, giúp ngân hàng xác định chuẩn xác các dự án xanh, tránh được rủi ro "tẩy xanh", đồng thời tạo thuận lợi khi làm việc với các định chế tài chính quốc tế để phát hành trái phiếu xanh.

Thực tế, từ trước đến nay, MB không ở trong thế bị động. Ông Ánh cho biết ngân hàng đã chủ động xây dựng khung tín dụng xanh riêng dựa trên tiêu chuẩn của các nước phát triển, đặc biệt là Singapore. Ngân hàng đã lựa chọn các lĩnh vực dự đoán nằm trong danh mục của Chính phủ để triển khai trước. Do đó, khi Quyết định 21 ra đời, danh mục tín dụng xanh của MB về cơ bản đã tương thích. "Chúng tôi chỉ có sự rõ ràng hơn và có cơ sở pháp lý để dựa vào, chứ không có sự băn khoăn giữa 'xanh’ hay ‘không xanh’", ông Ánh khẳng định.
Dù hành lang pháp lý đã được khơi thông, sự tăng trưởng của tín dụng xanh, hiện chiếm hơn 4.3% tổng dư nợ toàn hệ thống, vẫn còn hạn chế do 2 nguyên nhân cốt lõi. Thứ nhất là nhu cầu thị trường còn ít. Dòng vốn xanh thời gian qua chủ yếu tập trung vào mảng năng lượng tái tạo, nhưng chính lĩnh vực này lại gặp khó khăn rất lớn về pháp lý, cụ thể là việc chậm công nhận ngày vận hành thương mại (COD). Với các lĩnh vực khác, do trước đây chưa có khung tiêu chí và đơn vị xác nhận chính thức nên cả ngân hàng và doanh nghiệp đều chưa mặn mà, khiến thị trường chưa thực sự sôi động.
Thách thức thứ hai là thiếu nguồn vốn giá rẻ. Việc huy động các nguồn vốn quốc tế cho tín dụng xanh hiện tại có chi phí rất cao. Ông Ánh dẫn chứng chi phí phát hành trái phiếu xanh bằng USD hiện rơi vào khoảng 8-9%/năm, cao hơn đáng kể so với chi phí vốn trong nước. Điều này khiến các ưu đãi dành cho người đi vay chưa đủ hấp dẫn. "Ngân hàng hiện phải 'bớt lợi nhuận' để cho vay các lĩnh vực tín dụng xanh", ông chia sẻ.
Để thúc đẩy dòng vốn này, ông Ánh bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng như Bộ Nông nghiệp, Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm ban hành các quy trình, hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp và ngân hàng có cơ sở tham chiếu và triển khai nhanh chóng.
Để giải bài toán chi phí vốn, MB đang tập trung dành một nguồn lực huy động bằng đồng Việt Nam để cho vay các dự án xanh trong nước. Kế hoạch tiếp cận các nguồn vốn quốc tế sẽ được tái khởi động khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất, giúp chi phí vốn hợp lý hơn. Về chính sách cụ thể, MB đang giảm lãi suất khoảng 1-1.5% cho các dự án tín dụng xanh. Ngân hàng xác định 5 lĩnh vực trọng tâm để tập trung rót vốn, bao gồm năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp, các dự án xử lý chất thải - môi trường, và cuối cùng là các dự án về xây dựng và bất động sản xanh. Ông Ánh cũng nhấn mạnh đánh giá rủi ro môi trường - xã hội là điểm khó nhất, đòi hỏi cán bộ tín dụng phải có thêm nghiệp vụ về môi trường, và MB đang tiếp tục hoàn chỉnh quy trình này.
Trong bối cảnh chung, 6 tháng đầu năm 2025, tín dụng của MB tăng trưởng khoảng 13.5%, cao hơn mức 10% của toàn ngành. Nhìn về nửa cuối năm, ông Ánh dự báo nhu cầu vốn sẽ tăng cao. Để đáp ứng, MB đang xin phép thực hiện kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 32%, từ hơn 60,000 tỷ đồng lên trên 80,000 tỷ đồng. Nguồn vốn này đến từ lợi nhuận để lại, nhằm tăng cường năng lực tài chính và đảm bảo các hệ số an toàn vốn khi đẩy mạnh tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên như hộ kinh doanh, khách hàng cá nhân và doanh nghiệp sản xuất, chế tạo.