Phát triển giao thông xanh: Lấy đường sắt đô thị là “xương sống”
(NB&CL) Giao thông công cộng xanh, đặc biệt là xe buýt điện và tàu điện không chỉ giúp giảm thiểu các vấn đề ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông mà còn góp phần vào việc tạo ra một hệ thống giao thông bền vững.
Giao thông công cộng xanh là xu thế tất yếu
Lâu nay xe máy chạy xăng đã là phương tiện di chuyển phổ biến của người dân Hà Nội với những ưu điểm di chuyển trên các tuyến phố nhỏ, hẹp và nhất là phù hợp với đông đảo người lao động thu nhập thấp.
Tuy nhiên, xe máy nói riêng và các loại phương tiện chạy bằng nhiên liệu xăng nói chung cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí ở Thủ đô.
Để cải thiện chất lượng không khí, giảm tình trạng ùn tắc và giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, việc phát triển giao thông công cộng xanh trở nên vô cùng cấp thiết để đáp ứng nhu cầu di chuyển của người dân.

Giao thông công cộng xanh bao gồm các phương tiện giao thông sử dụng năng lượng tái tạo như điện, khí sinh học hoặc các nhiên liệu ít gây hại cho môi trường. Các phương tiện này có thể là xe buýt điện, tàu điện, xe điện và thậm chí là các dịch vụ chia sẻ xe điện.
Chị Hương Lan, một nhân viên văn phòng có trụ sở tại phường Cầu Giấy cho biết, từ khi đoạn trên cao đường sắt Nhổn - ga Hà Nội đi vào khai thác bản thân chị đã chuyển hẳn sang sử dụng phương tiện này để di chuyển đến nơi làm việc.
“Vừa không tắc đường lại thân thiện với môi trường. Nếu như Hà Nội có nhiều tuyến đường sắt đô thị hơn nữa người dân sẽ di chuyển thuận tiện hơn và từ đó hạn chế được phương tiện cá nhân. Suy cho cùng người dân phải có phương tiện đi lại, khi đó cấm hay hạn chế mới khả thi”, chị Lan nói.
Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội Nguyễn Văn Ngọc thông tin, đến tháng 7/2025, hai tuyến tàu điện (Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - ga Hà Nội) đã vận chuyển tổng cộng hơn 42 triệu hành khách; tốc độ tăng trưởng đạt 9,5% (2023) và 14% (2024)... cho thấy người dân dần thay đổi thói quen, nếu hạ tầng tốt.
“Chúng tôi đang kết nối với các tuyến buýt mini, tổ chức xe trung chuyển đầu cuối giúp hành khách dễ dàng tiếp cận tàu điện. Nhất là ở các khu vực ngõ nhỏ, ngách hẹp”, ông Nguyễn Văn Ngọc cho biết.
Lấy đường sắt đô thị là “xương sống” của giao thông công cộng
Với ưu điểm vận tải nhanh, khối lượng lớn,... đường sắt đô thị được xem là “xương sống” của giao thông công cộng để giải bài toán ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn như Hà Nội.
Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội và Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến 2030 tầm nhìn đến 2050, hệ thống đường sắt đô thị có 10 tuyến với trên 410km.

Thành phố cũng đang điều chỉnh Quy hoạch chung, bổ sung 5 tuyến đường sắt dài 200km. Như vậy đến năm 2045 tầm nhìn đến 2065, Hà Nội sẽ có 15 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 617km.
Xây dựng mạng lưới đường sắt đô thị liên kết khu vực nội đô và xa hơn là các địa phương xung quanh Hà Nội không chỉ giảm ùn tắc mà còn thúc đẩy sự phát triển, giúp người dân đi lại thuận lợi hơn; đồng thời tạo ra các không gian phát triển mới.
Vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị khẩn trương thực hiện những nhiệm vụ, công việc để đảm bảo tiến độ khởi công tuyến đường sắt đô thị số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo vào ngày 10/10 và tuyến đường sắt đô thị số 5 Văn Cao - Hòa Lạc vào ngày 19/12.
Việc khởi công 2 tuyến đường sắt đô thị lớn trong năm 2025 được kỳ vọng sẽ giảm tải áp lực giao thông lên các trục đường huyết mạch khu vực phía Tây Thành phố.
Thực tế hiện nay hệ thống giao thông công cộng của Hà Nội chưa đáp ứng hết nhu cầu di chuyển của người dân nên phương tiện cá nhân, nhất là xe máy chạy xăng vẫn được sử dụng phổ biến.
Do vậy nhiều chuyên gia khẳng định, nếu chúng ta quyết tâm chuyển đổi sang nền kinh tế đô thị trên nền tảng giao thông xanh, giao thông thông minh thì cần một quyết tâm rất lớn từ phát triển giao thông công cộng đến cứng rắn hạn chế phương tiện cá nhân để đạt được hiệu quả.