Kinh doanh - Tài chính

Hanoimilk (HNM) lãi ròng quý 2 giảm gần 50%, tất toán toàn bộ nợ lãi sau 5 năm

Ánh Dương 24/07/2025 10:14

(CLO) CTCP Sữa Hà Nội (Hanoimilk, UPCoM: HNM) vừa công bố lợi nhuận sau thuế quý 2/2025 giảm gần một nửa so với cùng kỳ, dù doanh thu nhích nhẹ và biên lợi nhuận gộp được cải thiện. Điểm sáng trong kỳ là việc công ty tất toán toàn bộ dư nợ lãi vay tồn đọng, đánh dấu bước chuyển quan trọng trong tái cơ cấu tài chính.

Chi phí lãi vay tăng vọt, lợi nhuận quý 2 sụt mạnh dù doanh thu lập đỉnh

Theo báo cáo tài chính quý 2/2025, Hanoimilk ghi nhận doanh thu thuần hơn 182 tỷ đồng, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Biên lợi nhuận gộp phục hồi lên 17,97% sau ba quý suy giảm liên tiếp, cho thấy hiệu quả cải thiện ở khâu sản xuất. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ còn xấp xỉ 5 tỷ đồng, giảm 47% so với quý 2/2024.

Nguyên nhân chính đến từ chi phí tài chính tăng mạnh. Riêng chi phí lãi vay quý này đã lên gần 5 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ. Đây là hệ quả từ việc Hanoimilk thực hiện tất toán các khoản vay cũ trong ngắn hạn, dẫn đến chi phí dồn vào quý 2. Bên cạnh đó, chi phí nhân công và quản lý doanh nghiệp cũng gia tăng nhẹ, làm giảm biên lợi nhuận ròng về mức thấp nhất trong ba năm, chỉ cao hơn quý 4/2023.

Dù vậy, tính chung 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần đạt 375 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ và là mức cao nhất trong lịch sử hoạt động. Doanh thu bán thành phẩm tăng 23% lên gần 362 tỷ đồng, trong khi doanh thu từ dịch vụ giảm 27%, còn khoảng 15 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm đạt 13 tỷ đồng, giảm 16% và mới thực hiện được 36% kế hoạch năm.

HNM sạch nợ lãi vay sau 5 năm, chuẩn bị đầu tư gần 900 tỷ nâng công suất nhà máy

Một trong những thay đổi đáng chú ý nhất trong kỳ là việc Hanoimilk đã tất toán hoàn toàn các khoản nợ vay ngắn hạn và lãi vay tồn đọng tích lũy từ năm 2020. Tính đến ngày 30/6/2025, dư nợ lãi vay phải trả gần 37 tỷ đồng đã về 0. Khoản vay ngắn hạn 20,2 tỷ đồng từ Chủ tịch HĐQT Hà Quang Tuấn cũng đã được tất toán. Trong khi đó, một khoản vay dài hạn trị giá 100 tỷ đồng xuất hiện lần đầu trong kỳ, nhiều khả năng đến từ Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) – Chi nhánh Lạng Sơn, theo Nghị quyết HĐQT ngày 9/6.

Ông Hà Quang Tuấn trước đó là người trực tiếp đàm phán với ngân hàng để giảm lãi suất, đồng thời cho công ty vay cá nhân để xử lý nợ gốc trong giai đoạn khó khăn. Đến giữa năm 2025, gia đình ông Tuấn đang nắm giữ 31,7% cổ phần HNM. Trong đó, ông Tuấn trực tiếp sở hữu 9,18% cổ phần, còn con gái ông – bà Hà Phương Thảo – đã trở thành cổ đông lớn nhất với tỷ lệ 22,52% sau thương vụ nhận chuyển nhượng 10 triệu cổ phiếu từ chính cha mình.

Giai đoạn 2025 – 2030, Hanoimilk đặt mục tiêu tiếp tục nâng cấp và mở rộng nhà máy chế biến sữa hiện hữu, với tổng vốn đầu tư lên tới 893 tỷ đồng cho các giai đoạn 3, 4 và 5. Khi hoàn tất, nhà máy dự kiến đạt công suất 190 triệu lít sữa mỗi năm, trở thành một trong những cơ sở chế biến sữa hiện đại nhất khu vực phía Bắc.

Ánh Dương