Chấn chỉnh hoạt động phát thanh, truyền hình và mạng xã hội, phối hợp xử lý các vi phạm...
(CLO) Chiều 24/7, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch (VHTT&DL) đã tổ chức họp báo thường kỳ Quý II năm 2025. Ông Cao Lê Tuấn Anh, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ VHTT&DL chủ trì họp báo.
Đồng chủ trì họp báo có ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử; bà Đặng Thị Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Báo chí. Tham dự họp báo còn có đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ VHTT&DL.
Tại họp báo, ông Nguyễn Hữu Ngọc - Phó Chánh Văn phòng Bộ VHTT&DL cho biết, 6 tháng năm 2025, trong bối cảnh đất nước đang bước vào giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ, thực hiện các mục tiêu phát triển nhanh và bền vững theo định hướng chiến lược của Đảng và Nhà nước, Bộ VHTT&DL tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ theo kế hoạch công tác năm.

Các nhiệm vụ trọng tâm được triển khai hiệu quả, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của đất nước trong các lĩnh vực cụ thể, như: Xây dựng và hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số và chính sách miễn thị thực thúc đẩy du lịch; bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, tiếp tục hoàn thiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong lĩnh vực báo chí, truyền thông, Bộ VHTT&DL tiếp tục hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật Báo chí (sửa đổi); Ban hành 5 quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Xây dựng thảo Kế hoạch truyền thông tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; Quyết định ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện các kiến nghị giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội.
Trong đó, với phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ VHTT&DL đã xây dựng Thông tư quy định các kênh PTTH thiết yếu của trung ương và địa phương. Bộ đã cấp mới và thu hồi hàng loạt giấy phép phát thanh, truyền hình.
Đặc biệt, Bộ VHTT&DL đã chặn, gỡ bỏ hàng chục nghìn nội dung vi phạm trên Facebook, YouTube, TikTok, Apple và Google; cấp mới nhiều giấy phép mạng xã hội, trang thông tin điện tử, trò chơi điện tử; phối hợp xử lý các vi phạm trong quảng cáo thực phẩm...
Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến vi phạm của các nghệ sĩ gần đây, trong đó có những nghệ sĩ vi phạm pháp luật, ông Trần Hướng Dương, Cục Phó Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD), Bộ VHTT&DL, bày tỏ: "Quan điểm của Cục NTBD cũng như của Bộ VHTT&DL, các nghệ sĩ cũng là công dân, phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật".
Ông Dương dẫn chứng: “Chúng ta đã có Bộ quy tắc ứng xử dành cho người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Việc xây dựng các quy tắc này cũng xuất phát từ mong muốn của Bộ Thông tin và Truyền thông (cũ) và Bộ VHTT&DL nhằm định hướng hành vi ứng xử chuẩn mực của người nổi tiếng, nhất là trên không gian mạng’.
“Đối với nghệ sĩ, họ càng phải nâng cao ý thức hơn nữa. Tôi cho rằng người nghệ sĩ có khán giả, khi mất niềm tin của khán giả thì chính nghệ sĩ cũng đánh mất giá trị và chỗ đứng của mình” - ông Dương nói.
Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi về quy trình hạn chế xuất hiện của người nổi tiếng khi vi phạm, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do cho biết: quy trình hạn chế hình ảnh người nổi tiếng trên báo chí, truyền thông được ban hành từ tháng 10/2024, cho đến nay, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan mà chưa triển khai được.
Về mặt pháp lý, ông Do cho biết quy trình hạn chế nói trên chưa được thể chế thành quy định pháp luật. Vì vậy, việc áp dụng cần cân nhắc. Hiện chưa có quy định pháp luật nào cấm người nổi tiếng vi phạm xuất hiện trên báo chí, truyền hình…