Người mẹ khuyết tật một mình nuôi con, dạy nghề cho người cùng cảnh ngộ
(CLO) Sinh ra là một đứa trẻ khỏe mạnh, Nguyễn Thị Thơm (sinh năm 1987, xã Đa Phúc, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) từng có một khởi đầu bình thường như bao đứa trẻ khác. Nhưng chỉ hai tháng sau khi chào đời, một cơn sốt nặng đã cướp đi khả năng đi lại của chị mãi mãi.
Gia đình đã bế chị đi khắp nơi, từ trạm xá làng đến các bệnh viện lớn trên thành phố, nhưng mọi cố gắng đều không thể cứu được đôi chân. Từ đó, Nguyễn Thị Thơm phải tập làm quen với những bước đi xiêu vẹo, khó nhọc – điều mà không ai mong có trong đời.
"Tàn nhưng không phế" – điều đó được minh chứng rõ ràng qua hành trình tuổi thơ của Thơm. Dù khiếm khuyết cơ thể, cô bé nhỏ bé ấy vẫn luôn ước ao được đến trường. Ngược lại, mẹ chị lại lo lắng con gái không thể theo kịp các bạn, đành tính chuyện giữ con ở nhà. Nhưng chính sự kiên trì và tinh thần cầu tiến đã giúp Thơm thuyết phục mẹ cho đi học, mở ra một hành trình tìm đến tri thức đầy ý nghĩa.

Tuổi thơ của Thơm vẫn ấm áp tình thương của cha mẹ cho đến khi biến cố ập đến. Bố qua đời khi chị lên 7, và ba năm sau, mẹ cũng mãi mãi rời xa chị. Từ đó, Nguyễn Thị Thơm thực sự không còn chỗ dựa. Nhưng thay vì gục ngã, chị lại mạnh mẽ đứng lên để tiếp tục đến trường đến hết lớp 9.
Sau đó, chị lựa chọn học nghề may – một quyết định không dễ dàng với người có cơ thể yếu ớt. Thế nhưng, nghề may lại trở thành một con đường sống mới, là nơi nuôi dưỡng đam mê và nghị lực vươn lên trong chị.
Góc phòng nhỏ tại thôn Xuân Lai giờ là nơi chị Thơm sống và làm việc mỗi ngày. Tiếng máy may đều đặn vang lên không chỉ là âm thanh của mưu sinh, mà còn là nhịp sống, là cách chị lan tỏa yêu thương đến cộng đồng.
Chị Thơm cho biết, chị nhận sửa quần áo miễn phí cho người khó khăn, dạy nghề cho những người khuyết tật khác cùng hoàn cảnh. Cô Nguyễn Thị Lập – một phụ nữ lớn tuổi từng chỉ quen ruộng đồng, nay đã có nghề may ổn định nhờ sự tận tình chỉ dạy của chị Thơm.
Ngôi nhà nhỏ ấy cũng dần trở thành điểm hẹn ấm áp cho nhiều chị em khuyết tật trong xã. Họ đến không chỉ để học nghề, làm việc mà còn để sẻ chia, động viên nhau vượt qua nghịch cảnh.
Không chỉ dừng lại ở đó, chị Thơm còn tích cực tham gia hoạt động thiện nguyện: quyên góp giúp đỡ người khuyết tật ốm đau, tổ chức các chuyến thăm hỏi, sẻ chia… Với chị, giúp được một người cũng là cách giúp chính mình. Bởi hơn ai hết, chị hiểu cảm giác cần một bàn tay chìa ra đúng lúc để không bị nhấn chìm giữa dòng đời.
Cuộc sống chưa bao giờ dễ dàng với chị Thơm, nhưng chị vẫn lựa chọn làm mẹ đơn thân – một hành trình đầy thử thách nhưng cũng thiêng liêng. Con gái lớn của chị, em Nguyễn Thị Hương hiện đang học lớp 10. Trong chương trình "Trạm Yêu Thương", em đã khiến nhiều người rơi nước mắt khi chia sẻ về mẹ mình: “Có những lần bị người khác trêu chọc về mẹ, con cũng buồn nhưng con rất tự hào về mẹ. Con rất thương mẹ vì mẹ đã sinh ra con vất vả và nuôi con khôn lớn".

Nghe những lời yêu thương từ con gái, ánh mắt của chị Thơm rưng rưng xúc động. Đối với chị, đó chính là phần thưởng lớn nhất của cuộc đời.
Ước mơ của Hương là đỗ đại học để sau này có thể chăm sóc mẹ thật tốt – một ước mơ giản dị nhưng đầy tình yêu và hiếu thảo.
Chương trình "Trạm Yêu Thương" với chủ đề "Dệt nên yêu thương”phát sóng lúc 10h00, thứ Bảy, ngày 26/7/2025 trên kênh VTV1 sẽ đưa khán giả đến gần hơn với câu chuyện của Nguyễn Thị Thơm – người phụ nữ khuyết tật nhưng chưa bao giờ chịu khuất phục trước số phận. Bằng đôi tay không lành lặn nhưng đầy nghị lực, chị đã lặng lẽ may vá lại niềm tin và hy vọng không chỉ cho chính mình, mà còn cho biết bao người cùng cảnh ngộ.