Điểm sàn thấp kỷ lục, nhiều trường top đầu dự báo điểm chuẩn giảm mạnh
(CLO) Mùa tuyển sinh đại học 2025 ghi nhận mức điểm sàn xét tuyển thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Trên cơ sở phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp THPT, nhiều trường đại học top đầu đã đồng loạt đưa ra dự báo điểm chuẩn sẽ giảm, đặc biệt ở các ngành không thuộc nhóm “hot”.
PGS.TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh), cho biết trường dành tới 95–99% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển tổng hợp, với ngưỡng sàn 50 điểm trên thang 100.

Tuy nhiên, do thay đổi công thức tính điểm xét tuyển, một số ngành có thể giảm điểm chuẩn từ 2–3 điểm. Với các ngành “đinh” như Khoa học máy tính, Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, khả năng điểm chuẩn giữ ổn định.
Tại ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, dữ liệu cho thấy lượng hồ sơ đăng ký rất lớn, trong đó nhiều thí sinh đạt học lực Giỏi, có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế hoặc từng đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố. Dù vậy, trường vẫn dự báo điểm chuẩn có thể dao động ±1 điểm so với năm 2024, tùy từng ngành.
Trong khi đó, PGS.TS Lê Đình Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội nhận định ngành Y khoa nhiều khả năng giữ ổn định ngưỡng 28 điểm, trong khi các ngành khác có thể giảm nhẹ, theo mặt bằng phổ điểm năm nay. Ông Tùng nhấn mạnh, điểm chuẩn còn phụ thuộc vào tổ hợp xét tuyển và sự điều chỉnh từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).

Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) dự kiến điểm chuẩn xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ giảm từ 1,5–3 điểm so với năm trước.
Các ngành Sư phạm tiếng Anh và tiếng Trung có thể giữ mức 23–25 điểm, các ngành Sư phạm Nhật và Hàn ở khoảng 22–23,5 điểm. Các ngành còn lại dao động từ 19–23 điểm.

Tại ĐH Kinh tế Quốc dân, TS Lê Anh Đức, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo dự báo điểm chuẩn giảm 1–2 điểm theo từng nhóm ngành. Năm nay, trường sử dụng bốn tổ hợp xét tuyển (A00, A01, D01, D07), đều có môn Toán nhằm đảm bảo tính công bằng. Ngưỡng điểm sàn của phương thức này là 20 điểm.
Học viện Tài chính đưa ra dải điểm chuẩn dự kiến rộng, từ 22 đến 28 điểm khác biệt rõ so với mặt bằng điểm “cao vút” năm 2024. Theo PGS.TS Nguyễn Đào Tùng, Giám đốc Học viện một số ngành có thể giảm 3–4 điểm, mở ra cơ hội trúng tuyển cho nhiều thí sinh.
Cùng xu hướng, Học viện Chính sách và Phát triển thông báo mức điểm xét tuyển từ 19 điểm (thang 30) và 25,5 điểm (thang 40), đồng thời dự đoán điểm chuẩn trúng tuyển giảm 1–3 điểm, đặc biệt ở các ngành có môn Toán hoặc tiếng Anh trong tổ hợp.

Học viện Phụ nữ Việt Nam cũng nhận định điểm chuẩn sẽ giảm 1–3 điểm so với năm ngoái. Những tổ hợp A00, A01, D01 có thể thấp hơn C00, tạo cơ hội cho thí sinh có học lực trung bình khá chinh phục các ngành Kinh tế, Công nghệ thông tin, Quản trị kinh doanh, Luật… Nhà trường áp dụng điểm sàn xét tuyển từ 15 điểm.
Giới chuyên gia đánh giá, điểm chuẩn năm nay có xu hướng hạ nhiệt, mở rộng cánh cửa đại học với nhiều thí sinh. Tuy nhiên, ở nhóm ngành “đỉnh” và trường top đầu, cạnh tranh vẫn rất cao. Do đó, thí sinh cần theo sát thông tin chính thức từ các trường và cân nhắc lựa chọn nguyện vọng phù hợp năng lực.