Giá sầu riêng hôm nay 26/7: Ri6 lao dốc, Sầu Trung Quốc chính thức ra mắt, sầu Việt gặp khó khăn?
Giá sầu riêng hôm nay 26/7 đi ngang, Ri6 xô chỉ từ 20.000–25.000 đồng/kg. Cùng lúc, Trung Quốc chính thức thu hoạch sầu riêng tại đảo Hải Nam.
Giá sầu riêng hôm nay 26/7: Sầu Thái loại VIP tăng tại Đắk Lắk
Giá sầu riêng hôm nay 26/7/2025 tiếp tục ghi nhận những biến động nhẹ tại các vùng trồng trọng điểm. Dòng Ri6 xô lùa đang xuống giá sâu chỉ còn khoảng 25.000 đồng/kg do bước vào cao điểm chính vụ, nguồn cung dồi dào khiến giá bán bị điều tiết mạnh.
Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, phần lớn các vườn đã thu hoạch xong, chỉ còn rải rác một số diện tích nhỏ với sản lượng thấp. Chất lượng sầu riêng không còn đồng đều như giai đoạn cao điểm, khiến mặt bằng giá có sự chênh lệch rõ rệt với các vùng Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ.
Hiện tại, giá sầu riêng Thái VIP tại thị trường trong nước được ghi nhận ở mức 85.000 – 90.000 đồng/kg. Với loại A, mức giá phổ biến dao động từ 75.000 – 77.000 đồng/kg, loại B từ 55.000 – 57.000 đồng/kg và loại C khoảng 40.000 – 43.000 đồng/kg. Dòng xô AB được thu mua ở mức 60.000 – 63.000 đồng/kg.
Đối với dòng sầu riêng Ri6, mức giá Ri6 VIP tại một số chợ đầu mối dao động từ 45.000 – 50.000 đồng/kg. Ri6 loại A phổ biến ở khoảng 40.000 – 42.000 đồng/kg, Ri6 loại B chỉ còn 25.000 – 26.000 đồng/kg. Các lô loại C thường được thương lượng riêng tùy chất lượng trái và vùng trồng.
Tại Đồng Nai, sầu Thái loại A hiện được mua vào trong khoảng 75.000 – 78.000 đồng/kg. Loại B dao động quanh mức 55.000 – 58.000 đồng/kg, trong khi loại C ổn định ở mức 40.000 – 43.000 đồng/kg. Dòng Ri6 tại đây có giá loại A khoảng 40.000 – 42.000 đồng/kg, loại B phổ biến 25.000 đồng/kg.
Trong khi đó, Bình Phước ghi nhận mức điều chỉnh giảm nhẹ. Sầu riêng Thái loại A giảm còn 78.000 – 80.000 đồng/kg, loại B ở mức 58.000 – 60.000 đồng/kg, loại C khoảng 43.000 – 45.000 đồng/kg. Riêng Ri6 loại B tăng nhẹ lên 28.000 đồng/kg, loại C vẫn phải thương lượng theo lô.
Tại khu vực Tây Ninh, mặt bằng giá sầu riêng Thái vẫn giữ ổn định với loại A từ 75.000 – 78.000 đồng/kg, loại B 55.000 – 58.000 đồng/kg, loại C dao động 40.000 – 43.000 đồng/kg. Giá sầu riêng Ri6 tại đây không có nhiều biến động, vẫn duy trì ở mức 25.000 – 26.000 đồng/kg đối với loại B.

Với khu vực Gia Lai, giá sầu Thái loại A được niêm yết trong khoảng 73.000 – 75.000 đồng/kg. Loại B ở mức 53.000 – 55.000 đồng/kg, loại C ở ngưỡng 40.000 – 43.000 đồng/kg. Ri6 tại địa phương này hiện dao động quanh mức 40.000 đồng/kg với loại A, trong khi loại B vẫn ở mức thấp 25.000 – 26.000 đồng/kg.
Tại Đắk Lắk, thị trường sầu riêng tiếp tục cho tín hiệu tích cực. Sầu riêng Thái loại A ghi nhận mức tăng nhẹ lên 75.000 – 80.000 đồng/kg. Loại B dao động trong khoảng 55.000 – 60.000 đồng/kg, loại C giữ ổn định ở mức 40.000 – 43.000 đồng/kg. Riêng dòng Ri6 loại A tại đây đạt mức cao nhất trong tuần với giá bán 44.000 đồng/kg, loại B ở mức 25.000 – 30.000 đồng/kg.
Theo nhiều thương lái, nhu cầu tiêu thụ sầu riêng trong nước đang giữ mức ổn định, tuy nhiên chất lượng trái chịu ảnh hưởng lớn từ thời tiết mưa kéo dài khiến tỷ lệ sượng nước và sượng múi gia tăng, đặc biệt ở dòng Musang King. Chính điều này khiến loại Musang King có giá thấp hơn các dòng còn lại, dao động chỉ 55.000 – 60.000 đồng/kg dù từng là mặt hàng cao cấp.
Sầu riêng nội địa Trung Quốc chính thức ra mắt thị trường: Thách thức mới cho xuất khẩu Việt Nam?
Trong bối cảnh Việt Nam và Thái Lan vẫn đang nắm giữ vị thế hàng đầu trong xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, quốc gia tỷ dân này đã bắt đầu thu hoạch những lứa sầu riêng đầu tiên được trồng nội địa tại đảo Hải Nam. Sự kiện này được coi là bước ngoặt lớn trong chiến lược nông nghiệp nhiệt đới của Trung Quốc, đồng thời đặt ra những thách thức không nhỏ đối với các nước xuất khẩu.
Theo Tân Hoa xã, các trang trại tại Sanya (Hải Nam) đã chính thức đưa ra thị trường những trái sầu riêng do người Trung Quốc tự canh tác. Dù sản lượng hiện còn khiêm tốn, đây vẫn là lần đầu tiên người tiêu dùng nước này được thưởng thức sầu riêng trồng tại Trung Quốc, mở ra một giai đoạn cạnh tranh mới trên thị trường.
Đại diện một trang trại ở địa phương chia sẻ rằng hành trình từ "giấc mơ" đến "thành quả" không hề dễ dàng. Việc đưa cây sầu riêng – vốn là loại cây khó tính và nhạy cảm với điều kiện khí hậu ra hoa và kết trái tại Hải Nam đã phải trải qua nhiều năm thử nghiệm giống, cải tiến quy trình canh tác và đầu tư công nghệ hiện đại. Chính quyền địa phương cũng có vai trò lớn trong quá trình này thông qua các chính sách trợ giá giống cây trồng, chuyển giao kỹ thuật canh tác tiên tiến, xây dựng hệ sinh thái hợp tác xã, đồng thời triển khai nông nghiệp thông minh như hệ thống tưới tiêu tự động, cảm biến môi trường và công nghệ phân tích dữ liệu lớn.
Đáng chú ý, mô hình trồng xen sầu riêng với các loại cây trồng ngắn ngày như cau, dứa và chuối cũng đang phát huy hiệu quả, giúp người nông dân có thêm nguồn thu trong giai đoạn chờ cây sầu riêng trưởng thành và cho quả ổn định.
Với việc Trung Quốc bước đầu làm chủ kỹ thuật trồng sầu riêng, giới chuyên gia cho rằng xuất khẩu sầu riêng Việt Nam, Thái Lan và Malaysia có thể gặp áp lực trong những năm tới. Trong năm 2024, Trung Quốc đã nhập khẩu tới 1,56 triệu tấn sầu riêng con số tăng gần gấp 5 lần so với năm 2015. Đây chính là lý do nhiều quốc gia Đông Nam Á coi thị trường này như “mỏ vàng” cho nông sản.
Tuy nhiên, khi sầu riêng nội địa Trung Quốc bắt đầu chiếm lĩnh thị phần, đặc biệt ở phân khúc trung cấp, khả năng Trung Quốc sẽ giảm nhập khẩu sầu riêng là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Dẫu vậy, trong ngắn hạn, các chuyên gia vẫn lạc quan về lợi thế cạnh tranh của Việt Nam và các nước trong khu vực, đặc biệt ở khía cạnh chất lượng sản phẩm, hệ thống logistics chuyên nghiệp và các dòng sầu riêng cao cấp đã được định vị tại thị trường Trung Quốc như sầu riêng Musang King, Monthong, kampung…
Trong tương lai gần, người tiêu dùng Trung Quốc có thể sẽ có nhiều lựa chọn hơn giữa sầu riêng nhập khẩu và sầu riêng “made in China”. Nhưng với những yêu cầu khắt khe về chất lượng, độ chín tự nhiên và hương vị đặc trưng, các quốc gia xuất khẩu sầu riêng vẫn có cơ hội duy trì vị thế, miễn là giữ vững được chất lượng và tốc độ thích ứng với thị trường.