Quy đổi điểm - 'đèn nhà ai nấy rạng' khiến thí sinh hoang mang
(CLO) Thực tế cho thấy mỗi trường, mỗi kỳ thi sử dụng một cách quy đổi riêng, dẫn đến điểm số “vênh” nhau tới vài điểm, khiến nhiều thí sinh hoang mang, mất cơ hội và gây tranh cãi về tính công bằng trong tuyển sinh.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận mùa tuyển sinh 2025 đánh dấu một bước chuyển lớn trong quy chế tuyển sinh đại học: Tất cả phương thức tuyển sinh trong cùng một cơ sở giáo dục phải được quy đổi về cùng một thang điểm. Đây là nỗ lực nhằm tạo ra một sân chơi công bằng hơn cho thí sinh giữa “ma trận” phương thức và bài thi đánh giá năng lực đang ngày càng đa dạng.
.jpg)
Một đề thi – nhiều thang điểm
Hiện nay, các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do các đại học lớn tổ chức đang sử dụng thang điểm rất khác biệt: Đại học Bách khoa Hà Nội dùng thang điểm 100, Đại học Quốc gia Hà Nội dùng thang 150, còn Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh lại dùng thang điểm tối đa tới 1.200. Trong khi đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn áp dụng thang điểm 30 truyền thống.
Với sự chênh lệch về thang điểm như vậy, Bộ GD&ĐT buộc phải đưa ra quy định mới: các trường đại học phải quy đổi tất cả các điểm thi về cùng một thang điểm khi xét tuyển thường là thang điểm 30.
Để làm điều này, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) giới thiệu khái niệm bách phân vị, tức xếp hạng điểm của một thí sinh so với tất cả thí sinh cùng tham dự kỳ thi đó. Từ đó, các trường có thể dùng bảng quy đổi để so sánh tương quan giữa các kỳ thi khác nhau. Tuy nhiên, chính ở khâu quy đổi này lại nảy sinh bất cập lớn.
Mỗi trường quy đổi một kiểu
Dù có bảng bách phân vị do Bộ GD&ĐT công bố, nhưng việc quy đổi điểm từ các kỳ thi đánh giá năng lực/tư duy về thang điểm 30 lại đang được các trường… “tự biên tự diễn”.
Mỗi trường xây dựng bảng quy đổi theo cách riêng, khiến cùng một mức điểm, thí sinh có thể được đánh giá rất khác nhau nếu nộp hồ sơ vào các trường khác nhau.

Chẳng hạn, với mức 121 điểm trong kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội: ĐH Quốc gia Hà Nội quy đổi ra 29,52/30 điểm, ĐH Công nghiệp Hà Nội chỉ quy đổi thành 27,25/30 điểm, ĐH Kinh tế Quốc dân quy đổi thành khoảng 28–30 điểm, tùy ngành.
Sự chênh lệch lên tới hơn 2 điểm, một khoảng cách đủ để quyết định cơ hội đỗ – trượt trong những ngành “nóng”.
Tương tự, với kết quả thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội, mức điểm 70 có thể được quy đổi: Thành 28,46 điểm tại chính Bách khoa Hà Nội, nhưng chỉ là 26–28 điểm tại Kinh tế Quốc dân hoặc 27,5–28,75 điểm tại Công nghiệp Hà Nội.
Rõ ràng, thí sinh có điểm thi như nhau nhưng lại chịu thiệt – hay được lợi – tùy vào cách quy đổi của từng trường.
Điều đáng nói là, hiện không có công thức quy đổi chuẩn chung được áp dụng cho tất cả các trường. Bộ GD&ĐT chỉ đưa ra bảng bách phân vị tham khảo, còn việc quy đổi cụ thể là quyền của từng cơ sở đào tạo. Chính điều này tạo ra tình trạng “mỗi nơi một kiểu”, khiến thí sinh như đứng giữa ngã ba đường, không biết nên tin vào đâu.

Giới chuyên gia cảnh báo, nếu các trường xây dựng bảng quy đổi từ hai nhóm thí sinh khác nhau (ví dụ: một nhóm thi đánh giá năng lực, nhóm khác thi tốt nghiệp THPT), thì việc so sánh bách phân vị không còn ý nghĩa. Mỗi nhóm có năng lực, định hướng học tập và độ khó đề khác nhau, nên việc ghép hai phân bố điểm độc lập có thể dẫn đến sai lệch nghiêm trọng.
Chỉ khi cùng một thí sinh thi cả hai bài thi, dữ liệu đó mới phản ánh được mối tương quan thực sự giữa hai kỳ thi, từ đó đảm bảo độ chính xác khi quy đổi.
Việc dùng bách phân vị để quy đổi là một bước tiến về tư duy thống kê trong tuyển sinh, nhưng nếu không được thực hiện đồng bộ và minh bạch, nó sẽ trở thành một “bảng điểm ảo”, tạo ra sự nhiễu loạn thay vì công bằng.
Với thí sinh, đây không chỉ là một phép tính mà là tương lai, là cơ hội vào đại học, là một suất học đúng ngành yêu thích.
Trong bối cảnh các trường được quyền tự chủ tuyển sinh ngày càng rộng mở, rất cần một khung quy chuẩn thống nhất từ Bộ GD&ĐT, hoặc ít nhất là các hướng dẫn kỹ thuật thống nhất về phương pháp quy đổi điểm giữa các kỳ thi. Nếu không, sân chơi tưởng như công bằng lại trở thành nơi thiệt thòi cho chính những người đáng được bảo vệ nhất – các em học sinh.