Xã hội

Dùng bách phân vị quy đổi điểm xét tuyển đại học – tưởng công bằng nhưng lại đầy cạm bẫy

Văn Hiền 26/07/2025 12:08

(CLO) Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, việc sử dụng bách phân vị để quy đổi điểm giữa các tổ hợp xét tuyển có thể gây hiểu lầm, sai lệch và thậm chí làm mất công bằng trong tuyển sinh.

Cùng với việc công bố bảng bách phân vị điểm thi tốt nghiệp THPT theo các tổ hợp xét tuyển truyền thống như A00, D01, C00..., nhiều trường và thí sinh đã bắt đầu sử dụng chỉ số này để quy đổi điểm giữa các tổ hợp – một hành động tưởng hợp lý nhưng lại đầy rủi ro.

TS Sái Công Hồng, chuyên gia về kiểm tra đánh giá giáo dục phân tích: Bách phân vị (percentile) là chỉ số cho biết vị trí tương đối của thí sinh trong phân bố điểm của một tổ hợp. Ví dụ, nếu thí sinh đạt phân vị 90 trong tổ hợp A00, điều đó có nghĩa là bạn đứng trong nhóm 10% có điểm cao nhất tổ hợp này.

Nhà trường quy đổi tương đương điểm sàn và điểm trúng tuyển giữa các phương thức xét tuyển (không quy đổi điểm xét tuyển của thí sinh).
Quy đổi điểm thi là một bước quan trọng trong bối cảnh những băn khoăn về mức độ công bằng trong xét tuyển vào đại học đang trở thành tâm điểm chú ý của cả thí sinh, phụ huynh và giới chuyên môn.

Tuy nhiên, phải nhìn nhận thực tế là bách phân vị chỉ có ý nghĩa nội bộ trong từng tổ hợp, không thể dùng để so sánh chéo giữa các tổ hợp khác nhau. Bởi mỗi tổ hợp có cách ra đề, mức độ khó, phổ điểm và nhóm thí sinh dự thi rất khác nhau.

Không thể lấy phân vị của tổ hợp A00 rồi suy ra điểm tương đương ở D01 hay C00. Điều đó là phi logic và thiếu cơ sở khoa học,” ông Hồng nhấn mạnh.

Một thực tế đang diễn ra là nhiều thí sinh chỉ ôn luyện nghiêm túc với tổ hợp chính để xét tuyển, còn các môn còn lại thì “làm cho có” đủ điểm để hợp thức hóa tổ hợp nhưng không đặt mục tiêu cao.

Điều này khiến phổ điểm của nhiều tổ hợp bị “kéo xuống” do nhiều bài làm kém chất lượng. Hệ quả khiến thí sinh làm bài trung bình có thể bất ngờ đạt phân vị cao, nếu lấy phân vị đó để quy đổi sang tổ hợp khác thì điểm bị thổi phồng và có thể tạo ra điểm chuẩn ảo, thí sinh tưởng mình “trên cơ” người khác, trong khi thực tế không phải vậy.

Theo TS Hồng, khi nhiều tổ hợp cùng được dùng để xét tuyển vào một ngành học cụ thể, nếu bắt buộc phải quy đổi điểm, cách tối ưu nhất là chuẩn hóa theo thứ hạng thực tế trong ngành, dựa trên dữ liệu đăng ký xét tuyển.

Cách làm như sau: Tập hợp toàn bộ thí sinh đăng ký vào ngành đó, bất kể tổ hợp; sắp xếp theo điểm số, từ cao xuống thấp; gắn mỗi thí sinh vào một phân vị (% xếp hạng) trong danh sách và tìm điểm tương ứng ở tổ hợp khác với cùng phân vị để quy đổi.

Ba phương thức xét tuyển gồm: xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo và quy định của trường; dựa vào học bạ ba năm THPT và kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Không ít học sinh và phụ huynh băn khoăn: Cùng đạt điểm 7 thì tại sao có môn dễ, có môn khó? Và liệu có công bằng không nếu lấy điểm các môn để đối sánh, đánh giá năng lực học sinh một cách ngang bằng?

Ưu điểm của phương pháp này sẽ phản ánh đúng mức độ cạnh tranh thực tế giữa các tổ hợp, không cần giả định về độ khó từng môn, dữ liệu có thể khai thác từ hệ thống lọc ảo hoặc điểm chuẩn các năm trước.

Hạn chế cần dữ liệu đầy đủ từ hệ thống đăng ký nguyện vọng, không áp dụng được với ngành mới mở hoặc có ít người đăng ký.

Bách phân vị không phải là cây cầu thần kỳ để nối mọi tổ hợp xét tuyển. Dùng sai sẽ tạo ảo tưởng về điểm số, dẫn đến tuyển sai người, loại nhầm thí sinh giỏi thực sự”, TS Sái Công Hồng kết luận.

Trong một kỳ tuyển sinh khốc liệt, nơi chỉ 0,1 điểm cũng quyết định cơ hội vào đại học, mọi phép quy đổi đều phải được cân nhắc kỹ lưỡng và dựa trên dữ liệu thực, không phải sự tiện lợi.

Văn Hiền