Góc nhìn

Nén hương tháng Bảy

Hữu Kế 27/07/2025 07:50

(CLO) Có những ngày tháng đi qua như một vòng quay quen thuộc. Nhưng cũng có những ngày, dù lặp lại mỗi năm, vẫn khiến lòng người chùng xuống, sống chậm hơn, sâu hơn. Ngày 27/7 là một ngày như thế.

Đến hẹn lại về, những ngày cuối tháng 7, từ nông thôn đến phố thị, từ nghĩa trang liệt sĩ cấp xã đến Nghĩa trang quốc gia Trường Sơn, Đường 9, hàng vạn bước chân lặng lẽ đổ về. Không còi xe, không kèn trống, chỉ có hương trầm và những đôi mắt rưng rưng, cúi đầu trước hàng bia đá đã phai màu thời gian.

497293266_24218319347765251_7278375278639992703_n.jpg
Ngày 27/7, thân nhân các liệt sĩ ra Nghĩa trang liệt sĩ để tưởng nhớ người đã khuất - Ảnh: HK

Từ bao năm nay, với nhiều gia đình liệt sĩ, ngày 27/7 đã trở thành một ngày giỗ tập thể, một cuộc hội ngộ của con cháu bốn phương trở về quê nhà, để cùng nhau thăm phần mộ ông, cha, anh mình. Có những liệt sĩ không rõ ngày hy sinh, người thân lấy ngày nhập ngũ, hoặc lấy chính ngày 27/7 làm ngày giỗ - như một cách gìn giữ ký ức, không để người ngã xuống bị lãng quên.

Gia đình tôi, cũng như hàng triệu gia đình khác trên cả nước, đã có một thói quen – đúng hơn là một “lệ” – không hề được ai đặt ra nhưng cứ thế gìn giữ, truyền nối. Cứ đến ngày này, bất kể ai ở đâu, con cháu đều cố thu xếp về quê, về nhà. Không ai bảo ai, mà như một mệnh lệnh thiêng liêng trong máu thịt: phải về. Về để cùng ra nghĩa trang liệt sĩ xã. Về để thắp một nén hương trước phần mộ của cụ, của ông, của anh em mình – những người đã nằm lại vì Tổ quốc máu thịt.

Những ngày này, nghĩa trang liệt sĩ không tĩnh lặng, lạnh lẽo. Trái lại, ấm áp đến kỳ lạ. Người về đông. Những người mẹ, người vợ, người con, người cháu... tay xách nách mang, với những bó nhang, hoa quả, khăn lau... Người gặp người, cúi đầu chào nhau, hỏi chuyện, kể cho nhau nghe về cha, về chồng, về anh, về con – người đã hy sinh vì đất nước. Có những câu chuyện đã kể trăm lần vẫn xúc động như lần đầu. Có những người dù đã tóc bạc, mỗi năm về vẫn không cầm được nước mắt.

Và đâu đó có cả những tiếng khóc. Khóc nhỏ thôi, khe khẽ, như sợ làm xáo động những người đã yên nghỉ. Nhưng từng tiếng nấc ấy như xuyên qua năm tháng. Đó là tiếng khóc của thương nhớ, của biết ơn, của những điều chưa kịp nói. Chiến tranh đã lùi xa gần 50 năm, nhưng ký ức về nó, về những người đã ra đi, vẫn còn nguyên vẹn trong lòng những người ở lại.

497391063_24218319354431917_6856784859751475672_n.jpg
Ngày 27/7 không chỉ là một ngày tưởng niệm quốc gia, mà còn là một khoảnh khắc gia đình – nơi người sống tìm về ký ức - Ảnh: HK

Không chỉ thân nhân, không chỉ người dân. Những ngày này, nghĩa trang các địa phương trên cả nước rợp màu áo xanh áo trắng – của đoàn viên, thanh niên, học sinh, y bác sĩ... Những bàn tay còn thơm mùi phấn viết cẩn thận nhặt từng cọng cỏ, lau từng tấm bia. Có lãnh đạo đến đây lặng lẽ, đặt vòng hoa, cúi đầu. Có các em nhỏ được bố mẹ dắt đến để học cách biết ơn.

Có người từng nói rằng: những người lính chỉ thực sự ra đi nếu không còn ai nhớ họ. Nhưng ở Việt Nam, ngay cả những mộ vô danh cũng không thiếu nhang khói. Người ta vẫn nhủ nhau: “Mộ không tên cũng là con người ta, hy sinh cho đất nước cả đấy”.

Không ở đâu, truyền thống “uống nước nhớ nguồn” lại trở thành một “nếp” đời sống như ở Việt Nam. Một truyền thống không cần giảng giải, không cần khẩu hiệu. Nó hiện hữu trong hành động giản dị nhất: một nén nhang, một bát cơm trắng, một bông hoa dại đặt bên mộ chí.

Chính từ những điều rất nhỏ ấy, người ta thấy được sự gắn kết bền chặt của một dân tộc từng đi qua chiến tranh, mất mát. Không chỉ là tri ân, mà còn là sợi dây vô hình nối hiện tại với quá khứ, nối người sống với người đã khuất. Nhờ có truyền thống ấy mà chúng ta có thể đi tiếp, ngẩng cao đầu, giữ gìn và dựng xây một đất nước đã được đổi bằng máu xương.

496948326_24218319331098586_8116256296109176557_n.jpg
Có nhà nghiên cứu từng nói: “Một dân tộc biết cúi đầu trước những người đã khuất là một dân tộc có chiều sâu” - Ảnh: HK

Việt Nam chưa có nhiều điều kiện để trả ơn đủ đầy cho tất cả những người đã hy sinh, đã bỏ lại một phần thân thể hay cả cuộc đời cho đất nước. Nhưng những điều có thể làm, như một mái nhà không dột, một tờ xác nhận Bảo hiểm Y tế kịp lúc, một người đến thăm đúng dịp, thì Nhà nước và xã hội vẫn đang cố gắng từng chút.

Không phải ngẫu nhiên mà đến nay, 100% hộ gia đình người có công với cách mạng đã được xóa nhà tạm. Những ngôi nhà tình nghĩa vẫn đang tiếp tục mọc lên. Song, điều quan trọng hơn là sự chăm lo ấy không chỉ đến từ Nhà nước mà còn từ nhân dân – những người thầm lặng nhưng kiên trì giữ cho ngọn lửa tri ân không bao giờ tắt.

Tháng Bảy về. Tôi lại cùng gia đình ra nghĩa trang liệt sĩ. Lại thắp một nén nhang, kể vài câu chuyện cũ, lặng đi trước những cái tên đã ngả màu thời gian. Có thể là tôi nói với người đã khuất. Nhưng cũng có thể, là để nhắc chính mình: đất nước này, hòa bình này, được đánh đổi bằng máu xương. Và tình yêu thương, sự thủy chung với quá khứ – chính là điều giữ cho chúng ta luôn là chúng ta.

Hữu Kế