Thị trường - Doanh nghiệp

Giá xăng dầu hôm nay 27/7: Xăng tiếp tục giảm, giá dầu thế giới chạm mức thấp nhất trong 3 tuần

Quốc Duẩn 27/07/2025 10:49

Giá xăng dầu hôm nay 27/7 tiếp tục diễn biến trái chiều: xăng giảm, dầu tăng trong nước; thế giới lao dốc, chạm đáy ba tuần do lo ngại kinh tế.

Giá xăng dầu hôm nay trong nước

Theo thông báo từ liên Bộ Công Thương – Tài chính, kể từ 15h ngày 24/7, bảng giá xăng dầu trong nước chính thức được điều chỉnh với xu hướng trái chiều giữa các mặt hàng xăng và dầu.

Cụ thể, mỗi lít xăng RON 95-III giảm 220 đồng, hiện dao động ở mức 19.700 đồng. Giá xăng E5 RON 92 cũng được điều chỉnh giảm 210 đồng, xuống còn 19.270 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu diesel tăng 330 đồng lên mức 19.120 đồng/lít; dầu hỏa tăng 200 đồng, giao dịch ở mức 18.600 đồng/lít. Riêng dầu mazut ghi nhận xu hướng giảm, còn 15.370 đồng/kg.

Đáng chú ý, kỳ điều hành lần này tiếp tục không thực hiện trích lập cũng như chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu chính. Điều này phản ánh địnhhướng giữ ổn định thị trường trong bối cảnh giá thế giới có nhiều biến động.

Bộ Công Thương cho biết, trong tuần điều hành từ ngày 17/7 đến 23/7, thị trường năng lượng toàn cầu chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố địa chính trị và chính sách thương mại. Trong đó, nổi bật là thông tin Mỹ xem xét áp dụng mức thuế nhập khẩu mới, EU tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với dầu Nga, cùng với việc căng thẳng giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Những diễn biến này khiến giá xăng dầu thế giới biến động phức tạp, khác nhau tùy từng chủng loại.

Giá xăng dầu hôm nay 13/12: Giá dầu thế giới giảm sâu, xăng dầu trong ...
Giá xăng dầu hôm nay 27/7 tiếp tục diễn biến trái chiều: xăng giảm, dầu tăng

Theo thống kê, mức giá trung bình các mặt hàng xăng dầu thành phẩm trong chu kỳ vừa qua lần lượt là: xăng RON92 đạt 76,816 USD/thùng (giảm 1,53% so với kỳ trước); xăng RON95 ở mức 78,506 USD/thùng (giảm 1,50%); dầu hỏa đạt 87,656 USD/thùng (tăng 1,20%); dầu diesel 0,05S lên 90,952 USD/thùng (tăng 1,99%); trong khi dầu mazut giảm nhẹ còn 412,466 USD/tấn (giảm 0,94%).

Tính từ đầu năm 2025 đến nay, thị trường xăng dầu trong nước đã trải qua tổng cộng 28 lần điều chỉnh giá. Trong đó có 12 kỳ giảm giá, 12 kỳ tăng giá và 4 kỳ điều chỉnh theo hướng trái chiều, phản ánh diễn biến khó lường của giá nhiên liệu toàn cầu cũng như nỗ lực điều tiết linh hoạt từ phía cơ quan quản lý.

Giá dầu thế giới hôm nay 27/7: Giá dầu chạm mức thấp nhất trong 3 tuần

Theo cập nhật từ trang Oilprice lúc 4h30 sáng nay (giờ Việt Nam), thị trường dầu mỏ toàn cầu tiếp tục chứng kiến xu hướng sụt giảm. Cụ thể, giá dầu Brent giao dịch ở mức 68,39 USD/thùng, giảm 0,74 USD tương đương 1,07%. Trong khi đó, giá dầu WTI giảm 0,87 USD, tương đương 1,32%, còn 65,07 USD/thùng.

Đây là mức giá thấp nhất trong ba tuần trở lại đây, phản ánh tâm lý lo ngại ngày càng gia tăng của giới đầu tư trước các tín hiệu kinh tế không mấy khả quan từ Mỹ và Trung Quốc. Trong tuần giao dịch vừa qua, dầu Brent mất gần 1% giá trị, còn dầu WTI giảm sâu hơn với mức sụt gần 3%.

Tuy vậy, kỳ vọng về việc các thỏa thuận thương mại mới có thể tạo lực đẩy cho tăng trưởng toàn cầu đã phần nào hạn chế đà giảm của giá dầu. Các nhà phân tích cho rằng nếu tăng trưởng được cải thiện, nhu cầu tiêu thụ năng lượng – đặc biệt là dầu mỏ sẽ hồi phục theo.

Tại Mỹ, dữ liệu kinh tế tháng 6 cho thấy số đơn hàng mới với nhóm hàng hóa vốn giảm bất ngờ, trong khi lượng hàng xuất xưởng chỉ tăng nhẹ, làm dấy lên lo ngại về sự sụt giảm trong đầu tư thiết bị của doanh nghiệp. Tổng thống Mỹ Donald Trump tiết lộ đã có cuộc trao đổi tích cực với Chủ tịch Fed Jerome Powell, và khả năng Cục Dự trữ Liên bang có thể cân nhắc giảm lãi suất. Việc hạ lãi suất thường giúp giảm chi phí vay, kích thích đầu tư, tiêu dùng và qua đó có thể thúc đẩy nhu cầu dầu thô trong trung, dài hạn.

Ở chiều ngược lại, Trung Quốc tiếp tục ghi nhận tình trạng suy giảm tài khóa. Báo cáo mới nhất từ Bộ Tài chính nước này cho thấy doanh thu nửa đầu năm 2025 giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương mức suy giảm ghi nhận trong 5 tháng đầu năm, cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn đang vật lộn với đà tăng trưởng chậm.

Một thông tin đáng chú ý khác là việc Mỹ sẵn sàng cho phép các đối tác của tập đoàn dầu khí quốc doanh Venezuela, trong đó có Chevron tiếp tục hoạt động dưới điều kiện kiểm soát tại quốc gia Nam Mỹ đang bị trừng phạt. Điều này có thể giúp Venezuela nâng sản lượng xuất khẩu thêm khoảng 200.000 thùng/ngày, giảm áp lực thiếu hụt nguồn cung dầu nặng vốn đang hiện hữu tại Mỹ.

Về phía OPEC+, khối này cho biết đang đẩy mạnh kế hoạch tăng sản lượng trở lại nhằm giành lại thị phần sau nhiều năm siết chặt cung để hỗ trợ giá. Tuy nhiên, ở Nga – một trong những quốc gia xuất khẩu chủ lực sản lượng có dấu hiệu giảm. Cụ thể, lượng dầu thô xuất khẩu từ các cảng phía Tây Nga trong tháng 8 được dự báo chỉ đạt 1,77 triệu thùng/ngày, thấp hơn so với kế hoạch 1,93 triệu thùng/ngày của tháng 7.

Thêm vào đó, số liệu mới nhất từ Baker Hughes cho thấy các công ty năng lượng Mỹ đã cắt giảm thêm 2 giàn khoan trong tuần qua, đưa tổng số giàn khoan dầu khí đang hoạt động về mức 542 đánh dấu lần cắt giảm thứ 12 trong vòng 13 tuần trở lại đây.

Một điểm sáng hiếm hoi là chênh lệch giá giữa dầu diesel và dầu thô tiếp tục nới rộng, đạt mức cao nhất kể từ tháng 2/2024. Các chuyên gia tại Price Futures Group nhận định đây là dấu hiệu cho thấy thị trường đang lo ngại về khả năng thiếu hụt nguồn cung dầu diesel, đặc biệt từ Nga – quốc gia xuất khẩu lớn loại nhiên liệu này.

Giữa bối cảnh thị trường năng lượng toàn cầu vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro địa chính trị và kinh tế, các nhà đầu tư đang theo dõi sát sao mọi biến động từ Mỹ, Trung Quốc đến OPEC+ để đưa ra quyết định phù hợp với biến động giá dầu hôm nay và trong tương lai gần.

Quốc Duẩn