Sốt xuất huyết Dengue: Biến chứng không ngờ từ những lầm tưởng nhỏ
(CLO) Đến đầu tháng 7/2025, khu vực phía Nam chiếm hơn 70% tổng số ca mắc sốt xuất huyết Dengue của cả nước. Điều này cho thấy năm nay dịch có thể diễn biến phức tạp.
Số ca sốt xuất huyết Dengue tăng nhanh ở nhiều tỉnh thành
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, tính đến hết ngày 13/7/2025 (tuần 28); trên địa bàn ghi nhận 15.538 ca sốt xuất huyết Dengue, tăng 159,4% so với cùng kỳ năm 2024 và ghi nhận tổng cộng 10 ca tử vong.

Khu vực TP. HCM cũ ghi nhận 6 ca tử vong, khu vực Bình Dương ghi nhận 3 ca tử vong và khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu ghi nhận 1 ca tử vong.
Số liệu từ Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế), cả nước đã ghi nhận 32.189 ca mắc sốt xuất huyết Dengue tính từ đầu năm đến ngày 8/7/2025.
Một số địa phương ghi nhận số mắc tăng cao so với cùng kỳ như: Bến Tre tăng 346,5%, Tây Ninh tăng 274,3%, Long An tăng 208,6%, Đồng Nai tăng 191,7%.
Tính đến đầu tháng 7/2025, khu vực phía Nam chiếm hơn 70% tổng số ca mắc sốt xuất huyết Dengue của cả nước. Điều này cho thấy năm nay dịch có thể diễn biến phức tạp.
Đáng lo ngại hơn, hiện có nguy cơ “dịch chồng dịch” sốt xuất huyết Dengue với các bệnh truyền nhiễm khác như tay chân miệng, cúm, COVID-19.
Đặc biệt trong tình hình thời tiết mưa bão kéo dài ở một số địa phương khiến việc chẩn đoán sớm và xử trí đúng trở nên thách thức hơn bao giờ hết.
Những lầm tưởng và biến chứng nguy hiểm của sốt xuất huyết Dengue
Chia sẻ tại tọa đàm sức khỏe cộng đồng với chủ đề "Sốt xuất huyết Dengue: Biến chứng không ngờ từ những lầm tưởng nhỏ" do Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM phối hợp với Công ty TNHH Dược phẩm Takeda Việt Nam tổ chức, các chuyên gia cảnh báo về những sai lầm trong nhận thức và xử trí sốt xuất huyết Dengue.

Trong cộng đồng vẫn tồn tại quan điểm “sốt nhẹ thì không sao”, tự truyền dịch tại nhà hoặc tự sử dụng thuốc kháng sinh mà không theo hướng dẫn y tế.
Những hành động tưởng chừng vô hại này lại khiến bệnh diễn tiến nhanh, khó kiểm soát, có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng, thậm chí tử vong.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch thường trực Liên Chi hội Truyền nhiễm TP. HCM, Nguyên Trưởng Khoa Nhiễm - Thần Kinh (Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM) cho biết :“Nhiều trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue nhưng bị nhầm với sốt siêu vi thông thường, vì thế người bệnh dễ chủ quan, không theo dõi sát sao và điều trị tại nhà. Đây là nguyên nhân khiến người bệnh nhập viện muộn và có nguy cơ biến chứng nặng”.
Thực tế, giai đoạn hạ sốt là lúc nguy hiểm nhất nếu không được theo dõi y tế. Bên cạnh đó, béo phì và bệnh nền nói chung là yếu tố nguy cơ đáng báo động, khiến bệnh sốt xuất huyết Dengue diễn tiến nặng và phức tạp hơn.

Tại Bệnh viện Nhiệt Đới, số ca sốt xuất huyết nặng ở người lớn nhập viện hiện cao hơn ở trẻ em. TS.BS.Huỳnh Trung Triệu - Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu trẻ em (Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới) thông tin:
“Sốt xuất huyết Dengue không còn là bệnh của trẻ em và người trẻ như nhiều người vẫn nghĩ. Thực tế, bệnh viện chúng tôi tiếp nhận điều trị nhiều ca người lớn khỏe mạnh, người lớn có bệnh nền như đái tháo đường, tăng huyết áp.
Khi bị sốt xuất huyết Dengue, các ca này thường có diễn biến rất phức tạp với các biến chứng như sốc, suy gan và xuất huyết nghiêm trọng. Người lớn khi bị sốt xuất huyết Dengue nặng thì nguy cơ tử vong cao hơn so với trẻ em”.
Ngoài giai đoạn điều trị cấp tính, sốt xuất huyết Dengue còn để lại những hậu quả kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất, tinh thần và chất lượng sống của người bệnh, nhất là trẻ em.
Sau khi qua cơn nguy kịch, một số trẻ phải đối mặt với tình trạng mệt mỏi kéo dài và rối loạn chức năng thần kinh. Có trường hợp cần phục hồi chức năng dài hạn như tập vật lý trị liệu, theo dõi dinh dưỡng và kiểm tra chuyên khoa định kỳ để tránh di chứng về sau.
Không chỉ người bệnh, gia đình người bệnh cũng gánh chịu hậu quả nặng nề. Việc chăm sóc trẻ sau điều trị đòi hỏi thời gian, công sức và chi phí lớn.
Điều này khiến sốt xuất huyết Dengue trở thành không chỉ là vấn đề y tế, mà còn là gánh nặng xã hội nếu không được phòng ngừa kịp thời và hiệu quả.
Chủ động phòng ngừa - Chìa khóa đẩy lùi dịch bệnh
Trước diễn biến phức tạp và khó lường và những hậu quả nặng nề mà sốt xuất huyết Dengue có thể gây ra, các chuyên gia đều đồng thuận rằng phòng bệnh chủ động vẫn là biện pháp hiệu quả và bền vững nhất.
Trong đó, giáo dục y tế cộng đồng đóng vai trò then chốt trong việc duy trì các biện pháp phòng bệnh một cách rộng khắp và thường xuyên.

Từ góc độ dịch tễ học, bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh vai trò chủ động của từng cá nhân và các trong việc cắt đứt chuỗi lây truyền bệnh từ sớm:
“Phòng chống sốt xuất huyết Dengue không thể chỉ trông chờ vào ngành y tế. Dịch bệnh chỉ thật sự được kiểm soát khi từng người dân hiểu rằng hành động nhỏ như dọn dẹp vật chứa nước quanh nhà, ngủ mùng cả ban ngày.
Ngoài ra, việc cải thiện về năng lực của hệ thống tuyến trên cùng sự phối hợp tuyên truyền của các cơ quan bộ ban ngành cũng cần thiết cho người dân.
Đây chính là những cách thiết thực nhất để tự bảo vệ và ngăn bệnh lây lan trong cộng đồng,bên cạnh những biện pháp vừa nêu thì tiêm chủng cũng là một trong những biện pháp giúp tăng cường phòng bệnh”.
Ở tuyến điều trị lâm sàng, TS. BS. Huỳnh Trung Triệu cảnh báo nguy cơ sốt xuất huyết Dengue chuyển nặng ở người lớn nếu phát hiện muộn.
Với các nhóm nguy cơ cao (người lớn tuổi, thai phụ, bệnh nền), sốt xuất huyết Dengue diễn biến nặng rất nhanh và khó lường, quá trình điều trị rất vất vả và thời gian nằm viện để phục hồi cơ thể cũng kéo dài. Vậy nên cần phát hiện sớm dấu hiệu cảnh báo và theo dõi sát ngay từ ngày đầu mắc bệnh.
Từ thực tế điều trị tại nhi khoa, ThS. BS. Lê Thị Mỹ Duyên kêu gọi phụ huynh chủ động bảo vệ con. Sốt xuất huyết Dengue không chỉ là cơn sốt, nếu diễn tiến nặng, bệnh có thể để lại một số di chứng, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ đồng thời kéo theo gánh nặng tài chính, tinh thần cho cả gia đình.
Đặc biệt, nếu cơ thể có bệnh nền, quá trình phục hồi sẽ kéo dài lâu hơn. Thực tế, có trường hợp bệnh nhi mặc dù đã điều trị khỏi sốt xuất huyết nhưng vẫn chịu tình trạng suy thận kéo dài và phải thăm khám định kỳ.
Vậy nên phụ huynh hãy là tấm khiên vững chắc nhất cho con bằng cách chủ động diệt muỗi, nhận biết sớm dấu hiệu bệnh và đưa con đến viện kịp thời. Đừng để sự chủ quan nhỏ hôm nay biến thành sự nuối tiếc về sau.
“Sốt xuất huyết Dengue lây qua muỗi vằn truyền bệnh. Vì vậy, cần chủ động mặc áo tay dài, mắc màn cả ngày lẫn đêm, dùng kem chống muỗi đúng cách, kiểm soát các vũng nước đọng quanh nhà, diệt lăng quăng. Bên cạnh đó, tiêm chủng là một biện pháp dự phòng hiệu quả” - ThS. BS. Lê Thị Mỹ Duyên cho biết thêm.